MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức) vắng khách chiều ngày 20.1. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Khách về quê ăn Tết đón xe ở bến xe Miền Đông mới hay bến cũ?

MINH QUÂN LDO | 20/01/2021 17:19

Để tạo thuận lợi cho hành khách, Sở GTVT TPHCM đã gia hạn cho 22 tuyến xe (từ Quảng Trị trở ra Bắc) hoạt động ở bến xe Miền Đông mới được đón trả khách ở bến cũ đến sau Tết Nguyên đán 2021.

Bến xe Miền Đông mới (quận 9 nay là Thành phố Thủ Đức) hiện có 22 tuyến xe hoạt động với cự ly từ 1.100 km, từ Quảng Trị trở ra Bắc.

Theo kế hoạch khi đưa bến xe vào khai thác từ đầu tháng 10.2020, ba tháng đầu các tuyến xe này được đón khách ở bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), sau đó phải qua địa điểm mới hoạt động. Tuy nhiên đã qua thời gian nhưng các xe vẫn đón khách tại bến cũ.

Toàn cảnh Bến xe Miền Đông mới tại Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Anh Tú

Mới đây, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco - chủ đầu tư) đã kiến nghị Sở GTVT TPHCM gia hạn cho 22 tuyến xe trên được đón khách ở bến xe Miền Đông cũ thêm 6 tháng.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, để tạo điều kiện cho hành khách, Sở GTVT đã đồng ý gia hạn cho các tuyến xe được đón trả khách ở bến xe Miền Đông cũ đến sau Tết Nguyên đán 2021. Sau thời gian trên, 22 tuyến xe từ Quảng Trị trở ra Bắc bắt buộc phải chuyển hẳn ra bến xe Miền Đông mới hoạt động.

Hành khách mua vé xe Tết ở bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh). Ảnh: Minh Quân

Ghi nhận chiều ngày 20.1, bến xe Miền Đông mới vắng hoe khách, trong bến chỉ có nhân viên bến xe. Trong khi đó ở bãi đậu xe chờ tài, hơn 2/3 bãi trống, không có xe đậu lại.

Tương tự, các tuyến xe buýt kết nối với bến xe Miền Đông mới như tuyến 55, 76, 93 cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, không có khách đi.

Bến xe Miền Đông mới vắng khách, chỉ có bảo vệ. Ảnh: Minh Quân

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, trong giai đoạn đầu hoạt động, xe khách vẫn đón khách ở bến xe Miền Đông cũ và chỉ làm thủ tục xuất bến ở bến xe mới. Do đó, hành khách vẫn chọn mua vé và đi tại bến cũ.

Về lâu dài, ông Hải cho rằng khi người dân quen dần với việc đi đến bến xe mới thì lượng xe và khách tại đây sẽ ổn định. Sở GTVT cũng sẽ tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp vận tải, hành khách đi lại ở bến xe mới thuận tiện hơn.

Đồng thời, Thanh tra Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng xe hợp đồng tranh giành khách với các tuyến xe cố định ở bến xe mới. Trước đó, từ ngày 9.1, xe khách trên 25 chỗ cũng bị cấm chạy vào làn hỗn hợp trên quốc lộ 1, đoạn từ Xa lộ Hà Nội (Thành phố Thủ Đức) đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) các khung giờ cao điểm. Việc này nhằm giảm kẹt xe và hạn chế xe bắt khách dọc đường.

Cũng theo ông Hải, hầm chui trước bến xe Miền Đông mới đang được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Khi hoàn thành giúp giảm giao cắt trước bến xe, các phương tiện ra vào bến được thuận lợi hơn.

Bến xe Miền Đông khởi công tháng 4.2017 trên diện tích 16 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Bến xe lớn nhất nước này có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỉ đồng và đi vào hoạt động từ tháng 10.2020.

Giai đoạn 2, sẽ hoàn thành các công trình xây dựng quanh bến xe như hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng quốc lộ 1, hệ thống đường Hoàng Hữu Nam. Khi đó sẽ di dời tiếp các tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế về đây hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn