MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn tàu đầu tiên tuyến metro số 1 trên đường ray tại depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) hồi tháng 10.2020. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Khó khăn “bủa vây”, tuyến metro số 1 dời khai thác sang năm 2022

MINH QUÂN LDO | 26/03/2021 17:35

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến lùi thời gian khai thác thương mai sang năm 2022 do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khó khăn trong công tác đào tạo nhân sự, xác định giá trị nguồn vốn ODA cấp phát từ Trung ương.

Khó khăn chồng chất

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), tác động COVID-19 khiến tổng khối lượng tuyến metro số 1 bị chậm, đến nay chỉ đạt khoảng 82,5%.

Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là hai gói thầu xây lắp CP1b (đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố) và CP2 (đoạn trên cao và depot) do chuyên gia bị chậm nhập cảnh.

Việc hai gói thầu xây lắp chậm tiến độ còn kéo theo gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, toa xe,... cũng bị chậm theo. Điều này cũng ảnh hưởng các công tác thử nghiệm, vận hành tuyến metro số 1.

Theo cảnh báo của tư vấn chung JNPT, dự kiến thời gian chậm trễ của các gói thầu xây lắp từ 4 - 6 tháng và gói thầu thiết bị từ 6 – 8 tháng. Do đó, khả năng tiến độ thực tế hoàn thành tuyến metro số 1 sau năm 2021.

Kéo cáp thi công hệ thống điện tuyến metro số 1. Ảnh: Minh Quân

Ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, phụ lục hợp đồng số 19 với liên danh NJPT vẫn chưa được ký khiến công tác đào tạo nhân sự tuyến metro bị gián đoạn.

Hồi cuối năm 2020 phía NJPT ngưng đào tạo cho 58 học viên lái tàu vì chưa được thanh toán tiền. Ngoài ra, do chưa có kinh phí cũng làm chậm trễ việc đào tạo hơn 300 nhân viên vận hành (9 trưởng ga, 19 nhân viên điều độ và 291 nhân viên nhà ga).

Vướng mắc nói trên nếu không sớm được giải quyết, theo MAUR không chỉ làm gián đoạn quá trình đào tạo nhân viên vận hành mà còn ảnh hưởng đến công tác vận hành tuyến metro số 1. Bởi thời gian đào tạo các nhân sự này mất từ 12-18 tháng.

Trong khi đó, việc các bộ, ngành chưa thống nhất giá trị ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại cho dự án metro số 1 bằng tiền Yên Nhật hay tiền đồng Việt Nam khiến dự án hơn một năm qua chưa thể giải ngân hơn 4.600 tỉ đồng.

Cụ thể, năm 2020, dự án metro số 1 của TPHCM đã được phân bổ số vốn 2.185 tỉ đồng nhưng không được giải ngân. Năm 2021, dự án được phân bổ số vốn gần 2.500 tỉ đồng và hiện cũng chưa có cơ sở để giải ngân.

Metro số 1 dời khai thác thương mại sang năm 2022

Ông Huỳnh Hồng Thanh - Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cho biết chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu mục tiêu năm 2021 hoàn thành công tác thi công, lắp đặt thiết bị để chuẩn bị vận hành khai thác tuyến metro số 1 trong năm 2022.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, vấn đề nhập cảnh của chuyên gia và vận chuyển vật tư từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn, MAUR đã đề nghị nhà thầu xem xét các phương án sử dụng nguồn vật tư, thiết bị tại chỗ.

Đồng thời, MAUR cho rằng cần cân nhắc sử dụng các nhà thầu phụ, nhân sự trong nước để tạm thay thế và hạn chế phụ thuộc vào nguồn nước ngoài, nhất là các nước từ châu Âu.

MAUR cũng yêu cầu nhà thầu xem xét phương án thử nghiệm, sử dụng, nhập khẩu thiết bị cung cấp từ các chi nhánh ở các nước mà tình hình dịch bệnh được phần nào kiểm soát hay nới lỏng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (thứ 2 từ phải qua) thị sát nhà ga ngầm Ba Son tuyến metro số 1 hôm 16.3. Ảnh: Minh Quân

Về khó khăn trong công tác đào tạo nhân sự vận hành tuyến metro số 1, MAUR cho biết sắp tới UBND TPHCM sẽ tổ chức cuộc họp để chủ đầu tư trình bày các vấn đề liên quan đến kết quả thương thảo phụ lục hợp đồng số 19. Dự kiến việc ký phụ lục hợp đồng với tư vấn sẽ sớm được tiến hành.

Đối với việc “tắc” vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, mới đây Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh xem xét, chấp thuận chủ trì một buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

Tuyến metro số 1 dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm với tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỉ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) và kết thúc ở ga Bến Thành (quận 1).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn