MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Đức Lộc

TPHCM khó thu hút nhân lực chất lượng cao với mức lương 13 triệu đồng/tháng

MINH QUÂN LDO | 30/07/2022 19:03

TPHCM – Với mức lương chỉ khoảng 13 triệu đồng/tháng khiến nhiều năm qua TPHCM khó thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc.

Ngày 30.7, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo tinh thần Nghị quyết số 54.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra bất cập trong chính sách thu hút người tài ở TPHCM. Theo TS Ngô Võ Kế Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM, từ năm 2016 thực hiện cơ chế chính sách thu hút người tài của TPHCM, Trung tâm thu hút được 4 chuyên gia.

Trong đó có chuyên gia đến từ Nhật Bản, mức lương ban đầu của chuyên gia này được duyệt ở mức cao nhất là 150 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chuyên gia này qua Việt Nam 10 ngày nên hưởng mức lương 50 triệu/tháng.

Các chuyên gia đã và đang hỗ trợ TPHCM trong việc tạo ra những công nghệ nguồn, cảm biến ứng dụng trong hệ thống cảnh báo ngập của TPHCM. Ngoài ra, chuyên gia cũng mang đến cho TPHCM nhiều hợp tác quốc tế giá trị, như dự án với Úc và Nhật, kinh phí gần 10 tỉ đồng

Tuy nhiên, thời gian qua, cơ chế thu hút chuyên gia bị thay đổi. Theo quy định mới, kinh phí trả cho chuyên gia phải theo hệ số lương nhà nước, dẫn đến giảm đi tính đặc thù của TPHCM.

Từ đó, dẫn đến đời sống của chuyên gia rất thấp, chỉ còn khoảng 13 triệu đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống ổn định cho chuyên gia. Cùng với đó, cơ chế khen thưởng có nhiều bất cập, chưa có nhà ở cho chuyên gia.

“Trước đây, khi thu hút chuyên gia, chúng tôi được phép trả lương kịch trần cho họ không quá 150 triệu đồng/tháng. Dù chuyên gia xác định đến với TPHCM không phải vì tiền nhưng mức chi trả cũng phải đảm bảo cuộc sống cho họ” - TS Thành bày tỏ và cho biết, hiện để giữ chân chuyên gia đã thu hút được, Trung tâm xoay xở, tìm các nguồn để hỗ trợ họ.

Theo TS Ngô Võ Kế Thành, TPHCM cần đề xuất cơ chế được ký hợp đồng với chuyên gia theo cơ chế đặt hàng hoặc thoả thuận theo cơ chế thị trường mà không bị áp đặt bởi các khung hệ số. Đồng thời, đề xuất cơ chế khen thưởng đột xuất cho chuyên gia, nhằm động viên, khuyến khích, tạo động lực, để TPHCM là điểm đến tin cậy, thân thiện và nghĩa tình.

Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: MQ

TPHCM bắt đầu thu hút nhân tài từ năm 2014, thí điểm tại 4 cơ quan nghiên cứu và thu hút được 19 chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc.

Từ năm 2019, khi có Nghị quyết 54 của Quốc hội, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 của UBND TPHCM với nhiều chính sách thay đổi.

Theo đó, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nhận được nhiều đãi ngộ như: trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng; thu nhập theo hệ số lương nhà nước; hưởng 1% đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách nhà nước, tối đa một tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện...

Tuy nhiên, đề án áp dụng chính thức không giữ chân được nhân tài cũ khi 14/19 chuyên gia tham gia trước đó đã rời đi.

Chương trình cũng không hấp dẫn thêm người mới nên từ năm 2019 đến nay, TPHCM chỉ thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM dù muốn tuyển 20 vị trí.

Năm 2022, chương trình thu hút nhân tài theo Quyết định 17 của UBND TPHCM sẽ hết hạn cùng với hiệu lực của Nghị quyết 54.

TPHCM đang nghiên cứu xây dựng chính sách mới trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm.

TPHCM kiến nghị đa dạng loại hình hỗ trợ, đãi ngộ, cần có khung tối thiểu và tối đa để địa phương xây dựng đề án thu hút người tài cho cơ quan nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn