MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc đô thị hóa huyện Nhà Bè. Ảnh: Anh Tú

TPHCM không vội đưa 5 huyện lên thành phố

MINH QUÂN LDO | 06/07/2023 15:31

TPHCM – Cả 5 huyện ngoại thành TPHCM đều muốn lên thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM yêu cầu, trước mắt, các huyện cần tập trung tốt công tác quy hoạch và có cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội hình thành các khu đô thị hiện đại, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Người dân mong thoát quy hoạch “treo”

Cách trung tâm TPHCM hơn 30 km, dự án Khu đô thị Tây Bắc (thuộc hai huyện Hóc Môn và Củ Chi) đã quy hoạch "treo" hơn 20 năm qua.

Khu đô thị Tây Bắc được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1998. Toàn dự án rộng hơn 6.000 ha được định hướng thành khu đô thị vệ tinh, trung tâm về phía Tây Bắc của thành phố; đầu mối thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa... Nhưng sau 25 năm, dự án siêu đô thị này vẫn chưa được triển khai theo quy hoạch.

Hệ quả là hơn 56.000 hộ dân ở Củ Chi và Hóc Môn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch treo nhiều năm. Họ không thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa dù nhu cầu rất bức thiết.

Dự án Sài Gòn Safari bị bỏ hoang. Ảnh: Minh Quân

Tương tự, dự án công viên Sài Gòn Safari rộng 457 ha ở huyện Củ Chi, với tổng mức đầu tư 500 triệu USD, gần 20 năm qua chưa hoàn thành, bị kết luận sai phạm và phải tìm nhà đầu tư mới.

Nghe thông tin huyện Củ Chi muốn lên thành phố, ông Trần Minh Hồng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) nửa mừng nửa lo khi số phận của gia đình ông 20 năm qua gắn với dự án công viên Sài Gòn Safari.

“Dù lên quận hay lên thành phố thì trước hết phải giải quyết quyền lợi thỏa đáng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân” - ông Hồng mong mỏi.

Tập trung quy hoạch để nâng cấp đô thị

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, mục đích chính của đề án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố là tập trung đầu tư để phát triển đô thị, chứ không phải muốn lên là được ngay.

Do đó, trước mắt, các huyện không đề xuất lên quận hoặc thành phố mà cần tập trung xây dựng các huyện thành đô thị. "Huyện lo làm quy hoạch, đầu tư một số trục đường lớn tốt, chuẩn bị nguồn lực, lo cho đời sống nhân dân về văn hoá, giáo dục thì tự nhiên sẽ phát triển lên" - ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, TPHCM sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng huyện.

Đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) được mở rộng năm 2022 giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Anh Tú

Theo ông Trần Văn Nam - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, huyện đang tập trung lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040 và điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu trước mắt của huyện là khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong các đồ án quy hoạch hiện hữu cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn tới.

Cũng theo ông Nam, huyện Bình Chánh cần khoảng 50.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, đòi hỏi cần có các cơ chế mở, thông thoáng thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài, chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân sách.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, huyện đang ưu tiên rà soát điều chỉnh quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các khu đô thị; bổ sung đầu tư công các tuyến đường liên kết vùng theo quy hoạch.

Đồng thời, huyện cũng đang điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng nhằm điều chỉnh các bất cập, phân bổ lại các chức năng đô thị, nông thôn phù hợp với thực tế phát triển.

Huyện Cần Giờ được định hướng trở thành thành phố du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Minh Quân

Huyện đảo Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM giáp biển, có vị trí mang tính chiến lược để định hình một nền kinh tế hướng ra biển. Trong tương lai không xa, huyện đảo được định hướng trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, huyện đang ưu tiên công tác lập lại quy hoạch huyện Cần Giờ. Theo ông Triển, quy hoạch bài bản là cơ sở để định hướng không gian phát triển.

Đặc biệt, vấn đề tạo sinh kế cho người dân huyện Cần Giờ cần được tính toán kỹ. “Có làm gì đi nữa thì kết quả để đánh giá vẫn là mức sống người dân có được nâng lên hay không. Sau khi kết thúc một chương trình phát triển, chúng ta nhìn lại đời sống người dân được nâng lên mới là cái quan trọng cần hướng đến” – ông Triển nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn