MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM sẽ vận dụng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để tạo động lực và những không gian phát triển mới. Ảnh: Anh Tú

TPHCM kỳ vọng đột phá từ cơ chế mới

MINH QUÂN LDO | 23/10/2023 07:56

Trong nửa nhiệm kỳ qua, dù là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 nhưng TPHCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ tăng trưởng kinh tế âm 6,78% năm 2021 thì sang năm 2022, tăng trưởng hơn 9%, còn 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,58%.

Ước thực hiện tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là hơn 1,3 triệu tỉ đồng, đạt 109,18% so với dự toán. Tuy nhiên, TPHCM vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức kéo dài và có dấu hiệu gia tăng cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế.

Quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm so với giữa nhiệm kỳ trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giảm 0,47%/năm (giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 7,74%/năm). Các hoạt động của ngành ngân hàng nhìn chung có mức tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước, thậm chí có giai đoạn không tăng trưởng. Giải ngân đầu tư công chậm tiến độ, không đạt mục tiêu hàng năm.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, với những tiền đề đã được tạo ra từ đầu nhiệm kỳ, các nghị quyết của Đảng, cơ chế chính sách từ Trung ương và nỗ lực của thành phố, dự báo kinh tế TPHCM sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025-2026. Cùng với đó, các xu hướng mới của kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tích cực và là điều kiện để thành phố chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.

TPHCM đã đưa ra các nhóm giải pháp về kinh tế - xã hội trọng tâm trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Cụ thể, thành phố sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, tạo không gian phát triển mới bao gồm không gian ngầm, sông, biển.

Thành phố tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam với Bình Chánh là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây Bắc gồm Củ Chi - Hóc Môn.

Theo ông Phan Văn Mãi, một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống Metro với mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

TPHCM cũng đặt mục tiêu giải quyết tồn đọng, ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả những dự án đang trì trệ nhiều năm như dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng, khu đô thị Thủ Thiêm, Safari ở Củ Chi, khu Bình Quới - Thanh Đa... Tập trung nguồn lực cả đầu tư công và đầu tư xã hội để chỉnh trang, phát triển đô thị, y tế, giáo dục và an sinh xã hội.

Thành phố sẽ huy động các nguồn lực xã hội thông qua triển khai Nghị quyết 98. Tính đến nay, HĐND TPHCM đã ban hành 12 quyết sách để hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Cùng với đó, kinh tế thành phố sẽ được tái cấu trúc với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm quốc tế, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực.

Theo ông Phan Văn Mãi, cuối năm nay thành phố sẽ hoàn thành và triển khai đề án xây dựng nền công vụ ưu tú, nâng cao năng lực hiệu quả của nền hành chính công. Điều này sẽ giúp phát huy sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức thành phố. Đồng thời, thành phố cũng tập trung nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý phù hợp với mô hình chính quyền đô thị đặc biệt cho TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn