MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ (TPHCM). Ảnh: Anh Tú

TPHCM làm 2 siêu dự án ở Cần Giờ: Bài toán bảo tồn và phát triển

MINH QUÂN LDO | 22/07/2023 06:07

TPHCM – Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được kỳ vọng là đòn bẩy, đánh thức tiềm năng huyện Cần Giờ, giúp TPHCM hoàn thành giấc mơ tiến ra biển sau nhiều năm ấp ủ. Bài toán đặt ra lúc này là phát triển kinh tế biển Cần Giờ nhưng không tác động bất lợi với môi trường.

Cần Giờ nên phát triển đô thị carbon thấp

Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, với việc sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới và mặt tiền biển rộng 42.000 km2, huyện Cần Giờ có điều kiện trở thành trung tâm đô thị biển hiện đại, du lịch sinh thái tầm vóc khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, ông Cương lưu ý, các bài toán phân tích chi phí, lợi ích và hiệu quả kinh tế khi TPHCM tiến ra làm chủ vịnh Cần Giờ cần được xem xét ở nhiều góc độ để đem lại hiệu quả cao nhất.

Dẫn chứng dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Võ Kim Cương cho biết, đơn vị lập tư vấn khẳng định đây chỉ là cảng trung chuyển, nằm tách biệt với đất liền. Thế nhưng, muốn phát huy hiệu quả thì cảng biển phải đi liền với hệ thống hạ tầng kết nối, hậu cần, logistics. Các hệ thống này sẽ phải tỏa ra trên đất liền tạo thành một vùng đô thị hóa.

"Khi có cảng thì lưu lượng tàu, sà lan, xe cộ trung chuyển sẽ gia tăng, kéo theo áp lực lên hạ tầng hiện hữu. Như vậy, cảnh quan, môi trường sinh thái của Cần Giờ sẽ ra sao?” – ông Cương lo lắng.

Vị trí dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Cũng theo nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, ngoài dự án này, Cần Giờ còn có thêm dự án Khu đô thị lấn biển rộng 2.870ha. Hai dự án này triển khai cùng lúc sẽ thu hút nguồn nhân lực, dân cư, phát triển dịch vụ, hạ tầng ở Cần Giờ. “TPHCM cần có sự đánh giá bài bản của các nhà khoa học về tác động môi trường của tổng thể các dự án này” – ông Cương nói.

Ông Võ Kim Cương cũng lưu ý, việc đầu tư ở huyện Cần Giờ cần áp dụng những công nghệ hiện đại nhất. Theo ông, ở huyện Cần Giờ nên phát triển đô thị carbon thấp để không tác động xấu khu dự trữ sinh quyển.

Phải giữ “lá phổi xanh” Cần Giờ

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về quy hoạch đô thị, TPHCM có thể phát triển kinh tế biển ở Cần Giờ, nhưng không nên xem đây là hướng chủ đạo tăng trưởng đô thị. Bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vùng ven biển Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được coi là một trong 10 khu vực có nguy cơ thiệt hại do tập trung đông dân cư.

Ông Sơn cho rằng, TPHCM chỉ nên đẩy mạnh kinh tế biển ở Cần Giờ trong lĩnh vực không cần nhiều dân số như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch biển, ngư nghiệp... Nếu quyết định tăng dân số về Cần Giờ, khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thành phố sẽ tốn kém kinh phí rất lớn làm đê bao cả khu đô thị, nâng nền các tuyến giao thông.

Phối cảnh Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ rộng 2.870 ha. Ảnh: UBND huyện Cần Giờ

Cũng theo chuyên gia quy hoạch này, tăng trưởng về phía biển của TPHCM còn có điểm khác với các tỉnh, thành lân cận vì giữa trung tâm thành phố và Cần Giờ tồn tại khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nếu mật độ dân số ở hai đầu tăng cao, trục ở giữa sẽ bị đô thị hóa, khó bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

“TPHCM đang có lá phổi xanh rất quý ở Cần Giờ, phải tìm cách gìn giữ”- ông Sơn nói và cho rằng, thành phố cần cẩn trọng, nghiên cứu đa ngành khi xác định dựa vào biển phát triển kinh tế, xây dựng chuỗi đô thị quốc tế.

Liên quan đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi xây cảng này cần tách biệt hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa ra vào cảng với giao thông đô thị xung quanh để nâng cao hiệu quả logistics, đảm bảo an toàn cho người dân và môi trường sinh thái.

"Cần nghiên cứu phát triển cảng trung chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy, hạn chế tối đa việc vận chuyển đường bộ bởi hàng đoàn xe container vận chuyển hàng hóa có thể băm nát Cần Giờ như thường thấy xung quanh các cảng hiện hữu" - ông Sơn nói.

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và vị trí đặt hai dự án. Ảnh: Portcoast

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho rằng, trước khi xây dựng dự án, các cơ quan phải làm báo cáo tác động môi trường, lấy ý kiến người dân, thẩm định.

"Các cơ quan có thẩm quyền phải trả lời câu hỏi là dự án có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ hay không, ảnh hưởng ở mức độ nào và có chấp nhận sự ảnh hưởng đó không. Đây là những vấn đề ở tầm vĩ mô và không thuộc thẩm quyền quyết định của huyện Cần Giờ" - ông Triển nói.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương ở huyện Cần Giờ ngày 18.7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM xác định phát triển huyện Cần Giờ một cách bền vững, giữ được môi trường sinh thái với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

TPHCM cũng đầu tư cho huyện phát triển theo hướng đô thị hiện đại, xứng tầm với vị trí là cửa ngõ ra phía Đông của thành phố. Do vậy, công tác lập quy hoạch huyện Cần Giờ cần nghiên cứu thật kỹ, đẩy nhanh tiến độ để có quy hoạch chất lượng và cập nhật vào quy hoạch chung của TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn