MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Quốc Hương (phường Thảo Điền, TPHCM) biến thành sông sau mưa. Ảnh: Minh Quân

TPHCM lún nhanh hơn do phát triển đô thị ồ ạt trên nền đất yếu

MINH QUÂN - PHƯƠNG NGÂN LDO | 03/09/2022 08:32
“Thảo Điền là một chảo bùn theo sông Sài Gòn tụ về. Bản chất của Thảo Điền và quận 2 là lún tự nhiên từ xưa, việc đô thị hoá ồ ạt ở khu vực này càng khiến tình trạng lún nhanh hơn” - TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin.

Quy hoạch đô thị đi ngược với tự nhiên

Gần 5 năm di cư từ Hòa Bình vào TPHCM cũng là 5 năm anh Long bán đồ ăn vặt trước cổng trường Đại học Văn hóa (phường Thảo Điền, quận 2 cũ nay là thành phố Thủ Đức). Anh Long nói đùa Thảo Điền được tiếng là “khu nhà giàu” nhưng anh thấy còn không bằng “khu nhà nghèo” Bình Chiểu (Thành phố Thủ Đức) nhà anh.

“Chỗ mình phải mưa lớn lắm mới ngập, mà ngập 20 phút là nước rút. Còn khu này, mưa 5-10 phút đã ngập ngang bắp chân, hôm mưa nhiều thì có khi phải hơn 5 tiếng nước mới rút, không đi đâu được” - anh Long kể.

Theo trí nhớ của chị Hà (48 tuổi, đường Quốc Hương), những năm 2003-2004, khu Thảo Điền mới bắt đầu có hiện tượng ngập và từ đó tình trạng ngày càng trầm trọng lên. Nhà dân đua nhau nâng với mặt đường để né ngập.  “Đường Quốc Hương dù đã được nâng đường và thay đường cống cũng không thoát ngập được” - chị Hà chia sẻ.

TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho rằng, Thảo Điền là khu vực có túi bùn lớn, việc đô thị hoá ồ ạt ở khu vực này càng khiến tình trạng sụt lún trở nên nhanh hơn và tình trạng ngập không phải là chuyện lạ.

“Theo tính toán của tôi, độ lún tự nhiên của khu vực này đến  nay là 0,48m. Nếu cộng thêm cả lún bề mặt do xây dựng thì sẽ tăng lên 0,62m” - ông Thuận nói.

Thạc sĩ Nguyễn Phát Minh - nguyên Trưởng bộ môn địa chất thủy văn - địa chất công trình - địa chất môi trường (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM), cho hay, đô thị TPHCM cũng là đô thị mới, trong đó nhiều khu vực chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán ngập triều như các quận 2, 9 cũ (nay là thành phố Thủ Đức); huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh...

"Độ rỗng trong tầng địa chất phía trên ở các khu vực trên rất lớn. Theo thời gian dài có thể hàng trăm, thậm chí ngàn năm địa chất sẽ nén chặt lại gây ra hiện tượng lún. Nhưng quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhà cửa, đường giao thông gia tăng tải trọng nên thúc đẩy quá trình lún diễn ra nhanh hơn" - ông Minh khẳng định.

Cũng theo ông Minh, chỉ cần đến các khu phát triển đô thị mới như Phú Mỹ Hưng (quận 7) hay các khu dân cư khác dễ dàng quan sát hiện tượng hạ thấp vỉa hè, mặt đất xung quanh nhà, đó là biểu hiện tình trạng lún mặt đất.  

Theo TS Phạm Viết Thuận, người Pháp đã cảnh báo chúng ta không nên xây dựng đô thị ở khu vực từ quận 7 sang quận 2 cũ từ lâu. Bên dưới khu vực Đa Phước (huyện Bình Chánh) chạy lên quận 7, Nhà Bè và về tới quận 2 cũ là 14-27m bùn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá quá nhanh không tiên lượng được vấn đề đó. Bây giờ thấy rất rõ hậu quả.

“Trong tương lai từ 7-10 năm tới, theo dự báo của tôi thì nước xâm nhập gây ngập từ 25-35% diện tích thành phố khi mưa kết hợp triều cường đỉnh điểm. Hiện trạng bây giờ đã ngập từ 10-15% rồi. Các vùng ven như Tân Phú, quận 12, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh, cứ triều cường là ngập chứ không cần đợi mùa mưa. Rồi ngập cục bộ, mưa cục bộ kết hợp triều cường, nếu không có giải pháp sẽ ngập hơn 1/3 diện tích thành phố” - ông Thuận nói.

Phát triển đô thị về vùng đất cao là hướng đi bền vững

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, TPHCM đã trở thành siêu đô thị cả chục triệu dân thì không thể nói phát triển về các phía mà trừ phía Nam ra. Chỉ có điều, khi phát triển về vùng đất thấp thì phải có những nguyên tắc phát triển khác với vùng đất cao. Đó là, càng về vùng đất thấp phải giảm mật độ xây dựng, giảm tầng cao và tăng nhiều không gian xanh mặt nước.

“Thường xu hướng phát triển về phía Nam là xu hướng phát triển sinh thái. Giữa những khu vực phát triển nên có vành đai xanh để ngăn cách và tạo nên không gian xanh, không nên bêtông hóa một diện tích lớn” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, ở khu vực phía Nam TPHCM về phía Hiệp Phước nếu có phát triển thì nên giành một diện tích lớn, ít nhất phải 40% cho không gian xanh mặt nước và xây nhà cao tầng vừa phải. Còn thành phố muốn phát triển mật độ cao, nhà cao tầng thì nên ưu tiên về phía vùng đất cao, từ Phú Nhuận chạy dài về phía Hóc Môn, Củ Chi và phía Biên Hòa (Đồng Nai).

“Đây cũng là xu hướng bền vững, bởi trong nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tương lai khu nội thành chỉ có quận 1, 3 là ít bị ngập, còn các quận Bình Thạnh, 4, 7, 8… đều ngập hết. Như vậy việc phát triển về vùng đất cao nên là hướng phát triển chiến lược của TPHCM” - ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hướng phát triển đô thị tốt phải là Tây Bắc - nơi có địa hình cao và cốt nền cứng. Bởi, phía Nam thành phố còn thấp, hơn nữa khu vực này còn duy trì vùng duyên hải Cần Giờ, có rừng phòng hộ, gọi là lá phổi xanh của thành phố.

Khi gió biển thổi vào đi qua Cần Giờ sẽ mang theo dưỡng khí, ôxy đẩy lên và thay thế không khí nóng, bụi bẩn của Tây Bắc, làm cho thành phố mát mẻ hơn.

“Bây giờ nếu nói để tránh thì đã muộn, buộc chúng ta phải chấp nhận. Điều chúng ta cần làm bây giờ là hạn chế việc tiếp tục gia tăng các công trình lớn ở khu vực đất mềm. Điều này không phải là chặn đứng nó lại mà làm tốc độ sụt lún chậm đi, chứ nói khắc phục trở lại thì có những cái không thể khắc phục được. TPHCM cần phải xem lại tất cả các khảo sát về địa chất, địa tầng ở đâu bản chất đất mềm, đâu là chất đất cứng thì mới quy hoạch phát triển” - ông Nguyên nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn