MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến nay TPHCM mới xây dựng gần xong tuyến Metro số 1. Ảnh: Anh Tú

TPHCM muốn tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách bằng Hà Nội để có tiền làm Metro

MINH QUÂN LDO | 02/06/2024 19:10

TPHCM dự kiến đề xuất Trung ương cho phép được nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương được hưởng từ 21% hiện nay lên 32% (bằng với Hà Nội) để có vốn làm Metro.

Đó là một trong những cơ chế được nêu trong đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, vừa được Sở GTVT TPHCM báo cáo UBND TPHCM.

Theo đề án này, quy hoạch tổng mạng lưới đường sắt đô thị của TPHCM sẽ tăng lên gấp đôi về số km so với quy hoạch hiện hành.

Đến năm 2035, dự kiến TPHCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183km Metro gồm các tuyến số 1 (tiếp tục hoàn thiện và tăng chiều dài so với tuyến đang xây dựng), 2, 3, 4, 5, 6.

Đến năm 2045, thành phố xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện các tuyến, nâng tổng chiều dài lên khoảng hơn 351km (có thêm tuyến số 7).

Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến số 8, 9, 10, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510,02km.

Từ nay đến năm 2035, ước tính TPHCM cần hơn 837.000 tỉ đồng để hoàn thiện 164km đường sắt đô thị. Số tiền trên không bao gồm chi phí đã xây Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20km và một phần chi phí đã giải ngân cho tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

TPHCM đề xuất điều chỉnh quy hoạch mạng lưới Metro lên hơn 500km. Ảnh: Anh Tú

Để có vốn làm dự án, Sở GTVT TPHCM tham mưu UBND TPHCM đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận 28 cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2060.

Đáng chú ý, đề xuất Trung ương cơ chế cho phép TPHCM được nâng tỉ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng lên mức 32%. Hiện tỉ lệ điều tiết ngân sách của TPHCM là 21% và tỉ lệ điều tiết ngân sách của Hà Nội là 32%.

Năm 2023, TPHCM thu ngân sách đạt đạt 446.545 tỉ đồng (đạt 95,07% dự toán). Năm nay, Trung ương giao tổng thu ngân sách cho TPHCM là 482.851 tỉ đồng.

Ngoài cơ chế tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, đề án đề xuất cơ chế căn cứ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 làm cơ sở để HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị. UBND TPHCM sẽ quyết định đầu tư dự án tương tự dự án nhóm A.

TPHCM được phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất phát triển hạ tầng.

Cho phép TPHCM thu và sử dụng 100% nguồn thu đối với các khoản thu phát sinh từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga Metro và TOD khác để tái đầu tư hạ tầng kết nối.

TPHCM được phát hành và quyết định chính sách trái phiếu chính quyền địa phương. TPHCM được vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay của Chính phủ vay về cho TPHCM vay lại. Tổng mức dư nợ vay không được vượt quá 120% số thu ngân sách TPHCM được hưởng.

Dự kiến, đề án sẽ được Thường trực UBND TPHCM trình Thường vụ Thành ủy và HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp giữa tháng 6 năm nay. Sau đó, UBND TPHCM sẽ tiếp tục trình đề án lên Chính phủ và Quốc hội.

Kết luận 49 của Bộ Chính trị giao TPHCM đến năm 2035 cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến, tổng chiều dài hơn 200km.

TPHCM đã triển khai hai tuyến Metro, gồm: Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20km và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11km. Trong đó, tuyến số 1 sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, đến nay mới chuẩn bị hoàn thành, khai thác thương mại cuối năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn