MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây bị bêtông bịt kín gốc trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình). Ảnh: Lê Vĩnh

TPHCM nhân rộng việc đổ bêtông thấm nước quanh các gốc cây

MINH QUÂN LDO | 10/08/2023 19:23

TPHCM - Liên quan đến hàng cây bị bêtông bịt kín gốc trên đường Trường Sơn gây xôn xao dư luận, cơ quan chức năng nói đây là loại bêtông thấm nước, đang triển khai thí điểm và sắp tới sẽ nhân rộng trên nhiều tuyến đường khác.

Thông tin trên được ông Hồ Hữu Hải - Trưởng phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết tại buổi họp báo chiều 10.8.

Theo ông Hồ Hữu Hải, vật liệu bêtông phủ gốc cây trên đường Trường Sơn là loại bêtông có tính thấm nước. Loại vật liệu này được Sở Xây dựng chủ trì và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và theo dõi, đánh giá để hoàn thiện dần. Thành phần chủ yếu là vật liệu cấp phối đá mi, sỏi màu các loại với chất kết dính là keo polycem resin.

Hàng cây bị bêtông bịt kín gốc trên đường Trường Sơn, trước sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Vĩnh

Ông Hải lí giải việc phải đập bỏ bêtông bịt kín gốc cây trên đường Trường Sơn là do cây tăng trưởng nhanh khiến cho gốc cây bị chèn vào phần vật liệu. Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đã cho rà soát, xử lí cũng như theo dõi tình trạng các cây này. Hiện các cây Giáng Hương lá lớn trên đường Trường Sơn vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường và chưa có dấu hiệu mất an toàn.

"Vật liệu được sử dụng tại các gốc cây trên đường Trường Sơn là một trong những mẫu thiết kế thí điểm đầu tiên nên sẽ có đánh giá để cải tiến về độ thẩm mỹ, khả năng thấm nước, mức độ tiện lợi như thiết kế cho việc tháo dần khoanh vật liệu xung quanh gốc cây khi cây tăng trưởng về kích thước "- ông Hải nói.

Ông Hồ Hữu Hải khẳng định, loại vật liệu này không ảnh hưởng đến hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây.

Ngoài đường Trường Sơn, một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Quốc Hương (Thành phố Thủ Đức) cũng được phủ bêtông thấm nước quanh gốc cây. Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đánh giá việc sử dụng loại vật liệu này đảm bảo mỹ quan, tăng không gian sử dụng công cộng và đáp ứng tốt việc thấm, thoát nước.

Thời gian tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng trên nhiều tuyến đường, đặc biệt ở khu vực trung tâm như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn