MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BV Đa khoa Khu vực Hóc Môn (TPHCM) nước lội bì bõm ngày mưa. Ảnh: BVCC

TP.HCM: Nhiều cơ sở y tế xuống cấp, chờ cả chục năm chưa được sửa chữa

NGUYỄN LY  LDO | 08/08/2022 07:59

Những năm qua, ngành y tế TPHCM luôn hướng đến một mục tiêu là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên trên thực tế, cơ sở vật chất của nhiều y tế cơ sở đã xuống cấp, khiến cho người dân không mặn mà giao phó sức khoẻ của mình cho y tế cơ sở. 

Trạm Y tế hàng chục năm đợi chờ nâng cấp

Mùa mưa tại phía Nam đến là thời điểm bác sĩ Trương Kim Mỹ - Trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 TPHCM và đồng nghiệp lại bắt đầu công việc mỗi ngày tại Trạm là lau dọn, tát nước mưa dột xuống vào chiều tối hôm trước. 

Nước mưa tạt vào các phòng chức năng khám chữa bệnh, thấm lên tường, trần nhà khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác.

“Tôi về làm việc ở đây được 20 năm, lúc đó Trạm Y tế này đã có, trước kia nó là trường mầm non. Vì quá lâu nên mọi thứ của trụ sở này đều xuống cấp. Mái trần ốp nhựa do nước mưa thấm nên có thể sập bất cứ lúc nào, nền nhà mục mốc nên chúng tôi luôn phải vất vả với nó vào mùa mưa. Mỗi lần nước ngập rất hôi, hôm nào người dân đến đông là phải chạy đua để dọn dẹp còn tiếp dân, bởi môi trường y tế không sạch thì ai dám tới”, bác sĩ Kim Mỹ chia sẻ. 

Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Bình hiện đang có 7 nhân viên y tế, chăm sóc cho 23 nghìn dân. Để đảm bảo công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, những nhân viên y tế ở đây phải làm việc bất kể ngày đêm trong môi trường xuống cấp, tâm trạng nản lòng đang gặm nhấm nhiệt huyết của họ. 

“Bây giờ những đồng nghiệp mới ra trường vất vả nhưng đồng lương khoảng hơn 5-6 triệu đồng/tháng không đủ để chi phí sinh hoạt tại TPHCM”. 

Suốt gần 20 năm qua, với cương vị là Trưởng Trạm Y tế chị Kim Mỹ liên tục đề xuất nhằm cải thiện cơ sở vật chất đã xuống cấp. Tuy nhiên, tất cả nhận được câu trả lời là chờ vì chưa có nguồn kinh phí. 

Bệnh viện cũng xuống cấp

Lội nước bì bõm vào những ngày mưa, ngập cục bộ khiến công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn nhiều năm nay đã trở thành “đặc sản”. 

Đứng trước những thực tế này, ngày 20.1.2021 Sở Y tế TPHCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM tổ chức khởi công dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (65/2B Bà Triệu, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TPHCM).

Với diện tích 44.399m2 gồm 12 tầng nổi và 2 tầng hầm có tổng mức đầu tư là 1.895 tỉ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2023. 

Tuy nhiên đến cuối năm 2021 dự án này mới giải ngân gần 598 tỉ đồng và nằm trong những dự án đang bị chậm tiến độ của thành phố. 

Trong số những dự án y tế trọng điểm của TPHCM cần được xây mới, không thể không nhắc đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. 

Đã nhiều năm qua, nhiên viên y tế và người bệnh ở đây vật lộn vì cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Trước những thực tế đó, năm 2009 dự án được thiết kế xây dựng mới cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, địa điểm tại Khu 6A, Khu chức năng số 6, Đô thị mới Nam Sài Gòn (H.Bình Chánh). Tháng 5.2018, Sở KH-ĐT đã báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Theo báo cáo này, dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tọa lạc trên diện tích 5,6ha, 11 tầng với hơn 70.000m2 sàn xây dựng. Tổng vốn đầu tư là 2.166 tỉ đồng, trong đó 1.230 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản... 

Tuy nhiên, bác sĩ Châu Văn Đính - Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết: “Nghe nói có 2 khu đất đề xuất xây Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới nhưng cũng không thấy gì. Số phận Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không biết nói sao, BV nào cũng xây được, còn BV Chấn thương chỉnh hình không xây được, chỉ còn sửa chữa để hoạt động thôi”.

Trong cuộc Hội nghị sơ kết hoạt động của ngành y tế 6 tháng đầu năm 2022 vừa diễn ra, câu chuyện giải ngân vốn thấp khiến cho nhiều dự án y tế vẫn ngổn ngang, chưa thể hoàn thiện cũng được mổ xẻ. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như ảnh hưởng bởi xung đột ở một số quốc gia, giá xăng tăng dẫn đến nguyên vật liệu tăng giá theo, nhiều nhà thầu không thực hiện xây dựng.

Thêm nữa, một số dự án hết thời gian thực hiện, phải chờ gia hạn để kéo dài thời gian xây dựng; hoặc một số chủ đầu tư chậm thực hiện chủ trương đầu tư mặc dù đã có trong danh sách trung hạn. Như công trình xây dựng mới Bệnh viện Răng Hàm Mặt, tới ngày 1.7 khối lượng giải ngân vẫn là 0%, do đang chờ Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương xin gia hạn dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn