MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM nỗ lực đột phá hạ tầng giao thông, tạo liên kết vùng

MINH QUÂN LDO | 25/05/2022 06:36

TPHCM - TPHCM đang nỗ lực khép kín Vành đai 2, khởi công đường Vành đai 3 và Vành đai 4, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50,… để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa Thành phố và các địa phương lân cận.

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những động lực để TPHCM bứt phá và phát triển bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Giao thông vừa thiếu vừa yếu

Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, nhưng bao năm qua, kết nối giao thông chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển, giao thương kinh tế giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm.

6 tuyến đường cao tốc kết nối TPHCM với 7 tỉnh lân cận theo quy hoạch, hiện mới chỉ hoàn thiện được 2 đường, gồm cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối các tỉnh phía đông và cao tốc TPHCM - Trung Lương kết nối các tỉnh miền Tây. Trong đó, cả 2 tuyến đường này đều đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.

Cao tốc chậm nhưng chưa bức bối bằng 3 dự án đường Vành đai 2, 3, 4. Cả 3 tuyến đường theo quy hoạch hoàn thành trước năm 2020 nhưng đến nay vẫn còn dang dở, đứt đoạn.

Tiến độ mở rộng các Quốc lộ hiện hữu để giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội đô TPHCM, tạo liên thông vùng như mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22,... đã nằm chờ hàng thập niên vẫn chưa nhúc nhích.

Quốc lộ 13 nối TPHCM với Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên ùn tắc.  Ảnh: Minh Quân

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm thừa nhận, hàng loạt dự án quan trọng tại TPHCM triển khai chậm so với quy hoạch do thiếu vốn, khiến tình trạng giao thông trên địa bàn ngày càng "bức bối".

Hiện tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TPHCM là hơn 4.500 km, mật độ 2,26 km/mỗi km2 (theo tiêu chuẩn phải từ 10-13,3 km/mỗi km2) và chỉ có khoảng 1.800 km có lòng đường rộng hơn 7 m.

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết, theo tính toán, mỗi năm TPHCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, hơn 1 tỉ USD do ùn tắc giao thông. 

Trong bối cảnh hiện nay, ông Cương cho rằng TPHCM không còn cách nào khác là phải dồn lực ưu tiên hoàn thành ngay các dự án ở cửa ngõ, đồng thời khép kín hệ thống đường Vành đai. Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ tự thông thoáng hơn.

Tăng tốc hàng loạt dự án huyết mạch

Theo ông Trần Quang Lâm, thời gian tới, nhiều dự án quan trọng ở cửa ngõ TPHCM sẽ được khởi công. Từ đó hạn chế tình hình ùn tắc giao thông những dịp cao điểm và mở ra việc kết nối liên vùng.

Ngay từ tháng 2 năm nay, Thành phố đã gấp rút tái khởi động lại đường Vành đai 2. Hiện nay còn khoảng 14 km chưa khép kín.

Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa thi công dang dở, thành nơi chăn bò.  Ảnh: Minh Quân

Trong đó, đoạn 1 dài khoảng 3,82 km (từ cầu Phú Hữu đến Xa Lộ Hà Nội); đoạn 2 dài khoảng 2,0 km (từ Xa Lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng); đoạn 3 dài khoảng 2,75 km (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); cả 3 đoạn này đều nằm trên địa bàn Thành phố Thủ Đức. Đoạn 4 dài khoảng 5,3 km (từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn huyện Bình Chánh).

Khi khép kín Vành đai 2 sẽ giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như: Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 và giải quyết vấn đề ùn ứ tại cảng Cát Lái. Dự kiến Vành đai 2 sẽ được khép kín trong 3 năm tới” – ông Lâm nói.

Với tuyến đường Vành đai 3 đã được phê duyệt quy hoạch với 92 km, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp đang diễn ra để khởi công cuối năm 2023 và thông xe năm 2026.

Vành đai 3 sẽ đi qua TPHCM và ba tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An); giai đoạn 1, Vành đai 3 sẽ làm 4 làn cao tốc ở giữa, có chiều dài khoảng 76,34 km, tổng kinh phí đầu tư 75.378 tỉ đồng; trong đó, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng 41.589 tỉ đồng.

Vành đai 3 TPHCM đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn được đầu tư. Ảnh: Minh Quân

Đây được xem là dự án giao thông quan trọng, kết nối liên Vùng, tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội cho cả Vùng kinh tế phía Nam.

Bởi khi hoàn thành sẽ mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM), Khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thành phố Thuận An (Bình Dương). Từ đó góp phần giảm ách tắc giao thông, giảm chi phí logistics, tăng yếu tố cạnh tranh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Song song đó, TPHCM và các tỉnh cũng quyết tâm thực hiện Vành đai 4 dài 200 km. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ phối hợp hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào tháng 12-2022. Mục tiêu đề ra là khởi công dự án năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2028.

Cùng với Vành đai 2, 3, 4, TPHCM sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, phấn đấu triển khai và hoàn thành các dự án kết nối vùng, cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Quốc lộ 50, đường nối dài Võ Văn Kiệt - Vành đai 3, nút giao thông An Phú, các cầu lớn (Cần Giờ; Thủ Thiêm 3, 4); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến BRT, tuyến metro số 5… tạo sự thông suốt tổng thể về hạ tầng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn