MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện TPHCM có khoảng 819.000 ôtô và hơn 7,6 triệu xe máy. Ảnh: Minh Quân

TPHCM phân vùng hạn chế xe máy thế nào?

MINH QUÂN LDO | 08/04/2022 06:10

TPHCM dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ thí điểm khu vực hạn chế xe máy ở một số tuyến đường trung tâm trong giờ cao điểm. Đến năm 2030 ngưng hoạt động xe máy tại các khu vực thường xuyên ùn tắc.

Lộ trình hạn chế xe máy

TPHCM là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) vừa được Chính phủ giao nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng.

Trước đó, từ năm 2016, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải tiến hành xây dựng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Sau nhiều năm tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến phản biện, khảo sát người dân với 35.000 phiếu, đến năm 2020 đề án đã được HĐND TPHCM thông qua.

Kẹt xe ở TPHCM ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Minh Quân

Theo lộ trình, từ năm 2021-2030, TPHCM sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, đảm bảo kết nối đến các vùng đô thị, đầu mối giao thông, hoàn thiện các dự án có khối lượng vận tải lớn như metro, xe buýt nhanh...

Khi vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tùy từng khu vực TPHCM sẽ triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe máy tại khu vực trung tâm.

Với nhóm giải pháp kiểm soát xe cá nhân, TPHCM sẽ bổ sung phí ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí, phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, năng lực của vận tải công cộng giai đoạn từ 2021-2025.

Cụ thể, dự kiến từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ thí điểm khu vực hạn chế xe máy ở một số tuyến đường trong giờ cao điểm sáng chiều như Trường Sơn (quận Tân Bình); Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Đinh Tiên Hoàng; Võ Thị Sáu đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Tôn Đức Thắng (quận 1)...

Từ năm 2026-2030, các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát xe cá nhân và giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ. Từ đó tiến tới điều chỉnh lưu thông và tiếp tục mở rộng phạm vi hạn chế xe máy ở quận 1. Đồng thời, chuẩn bị các phương án để đến năm 2030 ngưng hoạt động xe máy tại các khu vực thường xuyên ùn tắc.

TPHCM đang quản lý hơn 7,6 triệu xe máy

Tiến sĩ Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TPHCM cho biết, TPHCM đang quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, trong đó khoảng 819.000 ôtô và hơn 7,6 triệu xe máy. Bình quân mỗi ngày TPHCM có 79 ôtô và 309 xe máy đăng ký mới.

Do đó, ông Nam cho rằng nếu không có lộ trình hạn chế, xe cá nhân sẽ tăng tiếp, ùn tắc nghiêm trọng là chuyện thường nhật. “Không có cách nào khác là ngay từ bây giờ phải có một lộ trình để chuyển hóa từ phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng” – ông Nam nói.

TPHCM hiện đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại người dân và tăng lên 25% đến năm 2030. 

Tuy nhiên, ông Nam nói TPHCM đang quá kỳ vọng về các tuyến metro. Nhưng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến năm 2023 mới vận hành, tuyến số 2 chưa có ngày khởi công.

Trên thế giới, xe buýt luôn là phương tiện giao thông công cộng chủ lực. Nếu chúng ta không xoay trục sang xe buýt thì rất nguy hiểm cho phát triển giao thông công cộng và nguy hiểm cho chính các dự án metro.

Trong khi đó, dù TPHCM mỗi năm chi 1.000 tỉ đồng bù lỗ cho xe buýt, nhưng bù lỗ hoài vẫn không phát triển được. Hạ tầng thiếu làn đường riêng, xe cá nhân vây kín, tốc độ xe buýt chậm.

Muốn "cứu" xe buýt, ông Nam cho rằng phải giải được bài toán hạ tầng (gồm làn đường, bến xe, các trạm trung chuyển) và đầu ra cho xe buýt. “Khi nào chúng ta kiểm soát, hạn chế được xe cá nhân thì người dân sẽ đi lại bằng giao thông công cộng nhiều hơn” – ông Nam nói.

TPHCM sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Minh Quân

Theo ông Hà Ngọc Trường – Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM, hiện xe máy vẫn là phương tiện được coi là tối ưu cho cá nhân, nhưng đồng thời là tai họa cho xã hội. Vì xe máy là nguyên nhân gây rối loạn giao thông, ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm khí thải, tiếng ồn...

"Không thể nói hãy đợi đến khi giao thông công cộng đảm bảo cho mọi người dân đi lại mới bắt đầu hạn chế xe cá nhân. Việc giảm xe cá nhân là sự tích hợp và cộng hưởng của nhiều giải pháp" - ông Trường nói và cho rằng các giải pháp có thể là vĩ mô như quy hoạch lại không gian cư trú, phát triển hệ thống metro, BRT... nhưng cũng cần phải có các biện pháp nhỏ khác như tăng cường đi bộ, đi xe đạp ở các cự ly ngắn.

Theo tính toán, đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở TPHCM cần đến hơn 391.645 tỉ đồng để thực hiện, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2020 – 2025 cần hơn 91.260 tỉ đồng và giai đoạn 2026 – 2030 cần hơn 300.384 tỉ đồng được huy động từ các nguồn ODA, ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn