MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư, cao ốc dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè). Ảnh: Hữu Chánh

TPHCM phát triển 5 vùng đô thị để giãn dân, xóa điểm nghẽn giao thông

MINH QUÂN LDO | 19/05/2024 17:01

TPHCM sẽ phân chia thành 5 vùng đô thị, tập trung nguồn lực đầu tư hình thành những khu đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng ít nhất 60% chức năng tại chỗ. Khi đó, người dân từ quận, huyện ngoại thành không phải đổ dồn về trung tâm làm việc, giúp thành phố giãn dân, giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông.

Hình thành 5 vùng đô thị

Ngày 19.5, HĐND TPHCM đã thông qua báo cáo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đồ án, TPHCM sẽ hình thành 5 phân vùng đô thị để phát triển.

Phân vùng đô thị trung tâm gồm các Quận 1, 3,4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần Quận 12. Phân vùng có tổng diện tích khoảng 17.000ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 4,5 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Đông là TP Thủ Đức với tổng diện tích khoảng 21.000ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,1 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, một phần Quận 12. Phân vùng có tổng diện tích khoảng 58.500ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,4 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Tây gồm phần lớn là huyện Bình Chánh. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 23.300ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 840.000 người.

TPHCM sẽ phát triển các khu đô thị để giãn dân. Ảnh: Hữu Chánh

Phân vùng đô thị phía Nam gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, và toàn bộ huyện Cần Giờ. Phân vùng có tổng diện tích 93.300ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,2 triệu người.

Giãn dân, giải quyết điểm nghẽn giao thông

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, điểm nghẽn trong quy hoạch hiện hữu là phân bổ vùng đô thị và chức năng vùng đô thị chưa thực hiện được. Do đó, TPHCM gần như chỉ có một đô thị trung tâm, người dân từ khắp nơi đổ về, dẫn đến tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng.

“Hiện chỉ mình Phú Mỹ Hưng (Quận 7) - lõi khu Nam gần như đáp ứng được nhu cầu tại chỗ nên sự dịch chuyển vào trung tâm ít. Còn lại Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12,… đều dồn về trung tâm” - ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thành Nhân

Do đó, ông Phan Văn Mãi cho biết, phân vùng đô thị trong sửa đổi quy hoạch lần này có 5 khu. Tại mỗi khu vực phải hình thành khu đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng ít nhất 60% chức năng tại chỗ.

“Không phải hình thành các khu rồi làm đường kết nối, hằng ngày người dân đổ dồn về trung tâm. Đây là điểm mới, đòi hỏi thành phố phải kiên trì, dành nguồn lực để phát triển các khu vực đô thị. Tất nhiên phải thực hiện kết nối giữa 5 ngũ giác này” – ông Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, nếu làm được sẽ giúp thành phố giải quyết vấn đề dân số, không gian đô thị và không gian phát triển. Từ đó, giải quyết điểm nghẽn giao thông và có thêm các không gian xanh, các thiết chế để nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Trong quy hoạch lần này, gần như trung tâm hiện hữu hạn chế tối đa phát triển mới và chỉnh trang lại khu chức năng nếu có thể thành không gian xanh. Khu dọc sông Sài Gòn là một động lực mới nhưng phát triển sẽ không nặng về kinh tế” - ông Phan Văn Mãi nói.

Tại các quận, huyện cần tránh đi vào “vết xe đổ” là phát triển rải rác như thời gian qua. Đó là chỗ nào quy hoạch đô thị thì đầu tư hạ tầng cho tốt, đô thị nén, đô thị đa tầng khai thác không gian ngầm, mặt đất và chiều cao. Những phần còn lại là không gian dành cho nông nghiệp, sinh thái, đó là dự trữ cho tương lai.

“Do đó các quận, huyện phải sớm thực hiện quy hoạch và đầu tư. Khu vực nào không phát triển dân cư thì kiên quyết không phát triển hạ tầng. Nếu chúng ta cứ dễ dãi cho phát triển dân cư, rồi đầu tư đường, kéo điện, nước thì sẽ rất khó” - ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sẽ được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 9 năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn