MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) nhỏ hẹp nên thường xuyên kẹt xe. Ảnh: Minh Quân

TPHCM sắp làm 4 dự án giao thông hơn 18.200 tỉ đồng theo hình thức BT

MINH QUÂN LDO | 14/01/2024 16:26

TPHCM - Đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu); đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3; đường song hành Phan Văn Hớn; mở rộng đường Ung Văn Khiêm là 4 dự án giao thông tổng vốn hơn 18.200 tỉ đồng dự kiến được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng ngân sách.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không có hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép thành phố được làm dự án BT trả chậm bằng ngân sách.

Theo đó, nhà đầu tư huy động vốn làm dự án và TPHCM sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5-10 năm.

Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã rà soát 4 dự án có thể đầu tư theo hình thức này, triển khai giai đoạn 2024-2030.

Dự án đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu) dài gần 4km, tổng vốn khoảng 3.380 tỉ đồng.

Dự án chia làm 2 đoạn, trong đó đoạn từ cầu Ba Son đến ranh Tân Cảng dài gần 1,95km sẽ đầu tư rộng 31-35m. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến Thanh Đa dài 1,98km dự kiến rộng 20-50m.

Để đầu tư dự án này, nhà đầu tư sẽ bỏ ra 2.660 tỉ đồng xây dựng, còn ngân sách TPHCM chi khoảng 720 tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sông Sài Gòn đoạn qua cầu Sài Gòn. Ảnh: Anh Tú

Dự án đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 (TP Thủ Đức) dài 6km, rộng 60m, 12 làn xe. Điểm đầu tuyến ở đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối tại nút giao Vành đai 3 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tổng mức đầu tư tuyến đường này khoảng 8.720 tỉ đồng. Dự kiến vốn ngân sách TPHCM tham gia đầu tư khoảng 50% (khoảng 4.359 tỉ đồng), còn lại nhà đầu tư huy động.

Dự án đường song hành Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) dài 8,5km, rộng 30m với tổng vốn 3.720 tỉ đồng. Dự kiến ngân sách TPHCM chi 2.186 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư bỏ ra 1.534 tỉ đồng xây dựng.

Dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm từ nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ đến khu du lịch Tân Cảng (quận Bình Thạnh) dài 1,7km, rộng 30m, tổng vốn 2.396 tỉ đồng. Ngân sách TPHCM dự kiến tham gia với tỉ lệ 50% (khoảng 1.198 tỉ đồng), còn lại nhà đầu tư huy động.

Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước, các dự án BT sẽ áp dụng phương án trả chậm bằng ngân sách, tức doanh nghiệp làm xong ở giai đoạn này và được thanh toán vào kỳ sau.

Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý cùng các phương thức thanh, quyết toán khi thực hiện dự án theo hợp đồng BT. Những chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án từ đầu. Đây là giải pháp tăng tính chủ động, linh hoạt khi xây dựng kế hoạch vốn của thành phố.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, trên thực tế, TPHCM trước đây đã triển khai thành công các dự án theo hình thức BT đổi đất và BT trả bằng tiền. Điển hình như dự án cấp bách cầu Sài Gòn 2 với tổng vốn khoảng 1.700 tỉ đồng.

Khi đó, cửa ngõ Đông Bắc TPHCM ùn tắc nhưng thành phố chưa cân đối được vốn nên đã áp dụng hình thức BT trả chậm bằng tiền.

Đây là dự án thi công vượt tiến độ (chỉ thực hiện trong vòng hai năm) và 5 năm sau TPHCM mới trả tiền căn cứ theo giá trị thanh quyết toán của cơ quan có thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn