MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sông Sài Gòn đoạn qua cầu Sài Gòn. Ảnh: Anh Tú

TPHCM sắp làm đường ven sông Sài Gòn gần 3.400 tỉ đồng đi qua khu đất vàng

MINH QUÂN LDO | 05/01/2024 16:28

TPHCM - Đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu) dài gần 4km, tổng mức đầu tư khoảng 3.380 tỉ đồng dự kiến được đầu tư giai đoạn 2024 - 2030 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền theo cơ chế trong Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Làm đường ven sông Sài Gòn theo cơ chế đặc thù

Đoạn sông Sài Gòn, từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn đi qua hàng loạt dự án, khu đô thị có giá đắt đỏ bậc nhất TPHCM.

Trong đó, Sở GTVT TPHCM cho biết, đường ven sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm (quận Bình Thạnh) đã được các chủ đầu tư dự án trong khu vực đầu tư. Tuy nhiên, mặt cắt ngang đường giữa các dự án không có sự đồng nhất, nơi rộng nơi hẹp.

Trong trường hợp kết nối giao thông giữa các khu đô thị với nhau thì việc thay đổi bề rộng mặt cắt ngang đột ngột gây khó khăn cho người điều khiển giao thông, tại các vị trí thắt nút cổ chai sẽ gây ùn ứ cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông từ đường ven sông ra đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay qua đường dân sinh cầu Thủ Thiêm có bề rộng mặt đường nhỏ hẹp (khoảng 7m) sẽ không đảm bảo khả năng thông hành và nguy cơ ùn tắc giao thông tại khu vực vòng xoay dưới chân cầu Thủ Thiêm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Về tổng thể, đường ven sông Sài Gòn hiện nay chỉ là tuyến đường nội bộ, chưa thông suốt, liên tục từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng.

Sông Sài Gòn chảy qua trung tâm TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Để kết nối đồng bộ các khu đô thị mới ven sông Sài Gòn từ Quận 1 - Bình Thạnh, giải quyết nhu cầu giao thông tại khu vực, Sở GTVT TPHCM mới đây đề xuất UBND TPHCM dự án xây mới đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu) dài gần 4km, tổng vốn khoảng 3.380 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 - 2030.

Dự án chia làm 2 đoạn, trong đó đoạn từ cầu Ba Son đến ranh Tân Cảng dài gần 1,95km sẽ đầu tư rộng 31 - 35m. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến Thanh Đa dài 1,98km dự kiến rộng 20 - 50m.

Sở GTVT đề xuất đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng ngân sách theo theo cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98 của Quốc hội. Theo đó, nhà đầu tư huy động vốn làm dự án và TPHCM sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5 - 10 năm.

Cụ thể, nhà đầu tư sẽ bỏ ra 2.660 tỉ đồng xây dựng, còn ngân sách TPHCM chi khoảng 720 tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở GTVT đề xuất chi 500 triệu đồng để lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án giai đoạn 2024 - 2025.

Sở GTVT đánh giá, việc đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn này để kết nối vào Quốc lộ 13 (dự án BOT Quốc lộ 13 đã được HĐND TPHCM thông qua) là cần thiết, góp phần giảm áp lực giao thông trên các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm. Tuyến đường này cũng tạo trục đường mới xuyên suốt kết nối các Quận 7, 4, huyện Nhà Bè với các quận, thành phố khu vực Đông Bắc TPHCM.

Sẽ làm đường ven sông Sài Gòn đến Tây Ninh

Tại dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Cần Giờ đến Củ Chi với quy mô tối thiểu 4 làn xe kết hợp với làn dành riêng cho xe đạp và xe điện mặt đất (tramway), đoạn từ trung tâm thành phố đi Củ Chi.

TPHCM đang nghiên cứu làm đường ven sông Sài Gòn kéo dài đến Tây Ninh. Ảnh: Anh Tú

Theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, quan điểm của ngành giao thông thành phố là phải có đường ven sông Sài Gòn đến tận Củ Chi và Tây Ninh để kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Đường ven sông Sài Gòn sẽ tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc - Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm TPHCM. Tuyến đường này cũng kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Tuyến đường ven sông cũng mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Việc khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn cũng giúp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn