MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Thủ Đức từng tách ra thành 3 quận rồi nhập lại thành Thành Phố Thủ Đức năm 2021. Ảnh: Anh Tú

TPHCM sắp lần thứ 8 tách nhập địa giới hành chính trong gần 50 năm

MINH QUÂN LDO | 08/08/2023 06:09

Từ năm 1975 đến nay TPHCM trải qua 7 lần tách, nhập địa giới đơn vị hành chính và chuẩn bị có lần thứ 8 khi dự kiến sáp nhập 6 quận và 142 phường, xã. Đáng chú ý, Thủ Đức từng được tách ra thành 3 quận rồi sau đó nhập lại là bài học lớn cho TPHCM trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính sắp tới.

7 lần tách nhập địa giới hành chính

Sau khi thống nhất nhất nước (tháng 4.1975), đến ngày 2.7.1976, TP Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành TP Hồ Chí Minh (TPHCM). Thời điểm này thành phố có 12 quận (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình) và 5 huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Thủ Đức).

Ngày 18.9.1976, huyện Côn Sơn được thành lập trực thuộc TPHCM. Tuy nhiên, ngày 15.1.1997, do xa cách địa lí, huyện Côn Sơn được tách khỏi TPHCM, đổi tên thành huyện Côn Đảo trực thuộc tỉnh Hậu Giang cũ. Hiện nay Côn Đảo là một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 29.12.1978, huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào TPHCM và đến năm 1991 huyện đổi tên thành huyện Cần Giờ đến nay.

Lần chia tách lớn nhất là năm 1997, TPHCM lập 5 quận mới, gồm tách huyện Thủ Đức thành 3 quận (2, 9 và Thủ Đức), tách Quận 12 từ huyện Hóc Môn và tách Quận 7 từ huyện Nhà Bè.

Đến năm 2003, TPHCM lập thêm quận Tân Phú trên cơ sở tách ra từ quận Tân Bình và lập quận Bình Tân trên cơ sở tách ra từ huyện Bình Chánh.

Tháng 11.2016, TPHCM lập phường Tân Hưng Thuận thuộc Quận 12 và lập 4 phường 6, 8, 9 và 14 thuộc quận Gò Vấp.

Thành phố Thủ Đức chưa có nhiều thay đổi sau gần 3 năm sáp nhập. Ảnh: Anh Tú

Đáng chú ý, măm 2021, TPHCM thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập lại 3 quận (2, 9 và Thủ Đức). Đây là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên cả nước với kì vọng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TPHCM và 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Cũng trong năm này, TPHCM nhập 19 phường thuộc Quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Sau 7 lần tách nhập đơn vị hành chính, hiện TPHCM có một Thành phố Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện; 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.

Bài học từ Thủ Đức “tách ra rồi nhập lại”

Giai đoạn 2023 - 2025, TPHCM có 6 quận (3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận) và 142 phường, xã thuộc diện sáp nhập do chưa đáp ứng tiêu chuẩn về dân số và diện tích theo quy định.

Đáng chú ý, trong 19 phường đã hoàn thành sắp xếp năm 2021, có 15 phường tại 5 quận (3, 4, 5, 10, Phú Nhuận) thuộc diện phải sắp xếp trong 3 năm tới. Nếu như 5 quận này phải sắp xếp lại và dẫn đến thay đổi tên quận mới, thì những hộ dân ở 15 phường đã sắp xếp phải tiếp tục đổi giấy tờ lần thứ hai chỉ trong 5 năm.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 tổ chức ngày 31.7 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dẫn chứng câu chuyện tách huyện Thủ Đức năm 1997 rồi nhập lại năm 2021 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư, tình cảm, hoạt động kinh doanh và đời sống người dân. Đây là bài học thực tiễn rất lớn đối với TPHCM trong quá trình sắp xếp sắp thời gian tới.

Theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM sẽ tập trung đánh giá kĩ lưỡng các tác động đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế - xã hội khi sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, thành phố sẽ lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp và chuẩn bị phương án xử lí các vướng mắc phát sinh.

TPHCM sẽ miễn phí chuyển đổi giấy tờ cho người dân. Ảnh: Minh Quân

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lí TPHCM, cho rằng chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính là cần thiết, giúp tinh giản biên chế, tăng quy mô đơn vị hành chính. Đây cũng là cơ hội để chọn lọc những nhân sự có chất lượng, đáp ứng kĩ năng chuyên môn, công vụ.

Tuy nhiên, mỗi lần sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính là gây xáo trộn, nhất là người dân phải thay đổi giấy tờ. Do đó, TPHCM cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi chuyển đổi các loại giấy tờ.

Trong báo cáo tổng kết 3 năm sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, UBND TPHCM nhìn nhận, việc sắp xếp, bộ trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với cấp xã, do số lượng cán bộ, công chức tăng cơ học khi sáp nhập, lại vừa phải giảm số lượng theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ càng làm tăng áp lực lên hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức.

Do đó, ông Trần Quang Thắng cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công việc, tránh tình trạng sau khi sáp nhập biên chế giảm dẫn tới chậm giải quyết, trễ hẹn hồ sơ thủ tục hành chính của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn