MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Cần Giờ có nhịp chính dài 350 m, đặt trên hai trụ tháp cao 150 m. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

TPHCM sắp xây cầu hơn 11.000 tỉ đồng, dài 7,3km nối 2 huyện phía Nam

MINH QUÂN LDO | 22/04/2024 06:30

TPHCM - Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3km, tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ sắp trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, khởi công năm 2025.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ tại kỳ họp giữa năm 2024.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3km (trong đó, cầu Cần Giờ dài gần 3km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60 km/h.

Cầu được xây dựng theo dạng dây văng, tĩnh không thông thuyền 55m (tương đương cầu Bình Khánh của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) - cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Cầu Cần Giờ cũng sẽ là cầu dây văng lớn nhất TPHCM.

Phối cảnh cầu Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Đồng thời, trên tuyến xây thêm 3 cây cầu, gồm: Cầu Sông Chà dài khoảng 640,5m, rộng 29,5m; cầu Tắc Sông Chà dài khoảng 64,2m, rộng 40m; cầu Rạch Mương Ngang trên đường song hành phía Nhà Bè với hai cầu đơn dài khoảng 64,2m, bề rộng mỗi cầu 7,75m.

Điểm đầu cầu Cần Giờ tại đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía Bắc. Sau đó, cầu cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía Nam.

Dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh toàn tuyến 40m, tổng diện tích đất sử dụng khoảng 35,93 ha (huyện Nhà Bè 7,35 ha, huyện Cần Giờ 28,58 ha).

Cầu Cần Giờ sẽ có 6 làn xe. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Cầu Cần Giờ được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng.

Sở GTVT TPHCM đề xuất chia dự án cầu Cần Giờ thành 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phía huyện Nhà Bè sử dụng vốn ngân sách khoảng 426 tỉ đồng.

Dự án thành phần 2 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phía huyện Cần Giờ sử dụng vốn ngân sách khoảng 1.802 tỉ đồng.

Dự án thành phần 3 - Xây dựng cầu Cần Giờ theo BOT với khoảng 8.341 tỉ đồng (không bao gồm lãi vay). Vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 3.018 tỉ đồng (tương ứng với khoảng 36,18%) và vốn của nhà đầu tư tham gia khoảng 5.323 tỉ đồng (tương ứng với khoảng 63,82%). Thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư dự kiến 23 năm 6 tháng.

Hướng tuyến cầu Cần Giờ, từ đường 15B (huyện Nhà Bè) tới đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ). Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Hồi tháng 3 năm nay, dự án cầu Cần Giờ đã được HĐND TPHCM bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn ngân sách địa phương.

Theo Sở GTVT TPHCM, nếu được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, dự án cầu Cần Giờ sẽ tiến hành bồi thường, tái định cư giai đoạn 2024 - 2025. Dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đầu năm 2025 và khởi công dịp 30.4.2025.

Cầu Cần Giờ sẽ hoàn thành năm 2028, thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối trực tiếp huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố, góp phần hình thành tuyến giao thông mới kết nối trực tiếp huyện Cần Giờ với khu vực phía Nam TPHCM, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực.

Trong tương lai, huyện Cần Giờ có dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha, dân số quy hoạch là 228.506 người và khách du lịch dự kiến khoảng 8,89 triệu lượt khách/năm. Với quy mô như vậy, nhu cầu giao thông kết nối giữa khu đô thị này nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung với trung tâm TPHCM là rất lớn.

Ngoài ra, TPHCM sẽ xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), dự kiến khai thác giai đoạn 1 trước 2030. Do đó, cầu Cần Giờ còn đóng vai trò thúc đẩy và phát triển 2 dự án trên ở huyện Cần Giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn