MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh dự án cầu Cần Giờ nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

TPHCM sẽ chi hàng chục nghìn tỉ đồng xây cầu Cần Giờ, làm đường ven biển kết nối cảng Cần Giờ

MINH QUÂN LDO | 19/03/2024 17:55

TPHCM sẽ chi hàng chục nghìn tỉ đồng xây cầu Cần Giờ, nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành; đồng thời nghiên cứu bổ sung tuyến metro dọc đường Rừng Sác, đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép, đường ven biển kết nối Cần Giờ - Vũng Tàu nhằm khai thác hiệu quả dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Cầu Cần Giờ khởi công năm 2025

Theo đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được UBND TPHCM trình Thủ tướng, thành phố cho biết, sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông kết nối đường bộ tới cảng để phục vụ hoạt động khai thác và các ngành dịch vụ kinh tế sau cảng.

Dự án được chờ đợt nhất là cầu Cần Giờ, được TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2030.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, điểm đầu cầu Cần Giờ tại đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc. Sau đó, cầu cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam.

Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3km (trong đó, cầu Cần Giờ dài gần 3km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60km/h.

Cầu được xây dựng theo dạng dây văng với độ dài nhịp chính của cầu giữa lòng sông là 350m, đặt trên hai trụ cầu cao gần 100m. Cầu Cần Giờ sẽ có tĩnh không thông thuyền 55m (tương đương cầu Bình Khánh của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) - cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.

Phối cảnh cầu Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cầu Cần Giờ được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.

Dự án cầu Cần Giờ dự kiến trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư trong quý II/2024, nếu được thông qua sẽ khởi công dịp 30.4.2025, hoàn thành năm 2028.

2.400 tỉ đồng xây nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành

Cũng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, một dự án đáng chú ý khác là xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đường Rừng Sác là đường độc đạo kết nối trung tâm TPHCM, tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận đến Cần Giờ (hiện việc kết nối giao thông đến huyện Cần Giờ chủ yếu bằng đường thủy).

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, tổng vốn 31.000 tỉ dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tuy nhiên, tuyến cao tốc đi qua TPHCM dài gần 25km nhưng lại không có điểm kết nối với thành phố. Đặc biệt đoạn cao tốc đi qua huyện Cần Giờ tại xã Bình Khánh là đường trên cao.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua đường Rừng Sác. Ảnh: Hữu Chánh

TPHCM dự kiến bố trí khoảng 2.400 tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Nút giao này khi hoàn thành giúp tăng cường kết nối, phát triển kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ, đặc biệt khi hình thành Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, việc kết nối Cần Giờ - TPHCM và Đồng Nai, các tỉnh trong khu vực qua đường cao tốc.

Nghiên cứu làm đường ven biển từ Cần Giờ qua Vũng Tàu

Ngoài hai dự án trên sắp triển khai, TPHCM cho biết sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác (dự kiến kết nối từ Khu đô thị biển lấn biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè).

TPHCM cũng nghiên cứu làm tuyến đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép và tuyến đường ven biển kết nối giữa TPHCM (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự kiến 2 tuyến đường trên sẽ được bổ sung vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để triển khai các bước tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn