MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Anh Tú

TPHCM sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt

MINH QUÂN LDO | 09/11/2022 19:40

TPHCM - Sở GTVT TPHCM đề xuất bổ sung thêm nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt vào quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, tăng kết nối vùng.

Thêm nhiều tuyến đường sắt, cao tốc, quốc lộ

Đề xuất trên được Sở GTVT TPHCM nêu trong văn bản gửi UBND TPHCM về rà soát bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Theo đó, cập nhật quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể, về đường bộ, kéo dài tuyến cao tốc TPHCM - Chơn Thành thêm 70 km (quy mô 6 làn xe) đến của khẩu Hoa Lư (Bình Phước), nâng tổng chiều dài tuyến lên khoảng 140 km.

Bổ sung tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (Tây Ninh), nối từ cao tốc TPHCM - Mộc Bài với chiều dài 65 km, quy mô 4 làn xe.

Bổ sung tuyến cao tốc TPHCM  - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng với chiều dài 155 km, quy mô 4 làn xe.

TPHCM sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc. Ảnh: Anh Tú

Ngoài ra, bổ sung nhiều tuyến Quốc lộ như: Quốc lộ 22B nối từ Quốc lộ 22 (Gò Dầu) đến của khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh) dài khoảng 104 km; quy mô 2-4 làn xe; Quốc lộ 13B nối từ Vành đai  4 TPHCM đến Quốc lộ 14C (Bù Đăng, Bình Phước) dài khoảng 130 km, quy mô 2-4 làn xe; Quốc lộ 22C từ đường Vành đai 3 TPHCM đến cửa khẩu Kà Tum (Tây Ninh) dài 120 km, quy mô 2 – 4 làn xe; Quốc lộ 50B từ đường Phạm Hùng đến Ngã ba Trung Lương (Tiền Giang) dài 55 km; quy mô 6 làn xe,...

Về đường sắt, tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu dừng tại Bình Triệu khi đường sắt tốc độ cao đưa vào khai thác. Do đó, đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng định hướng tận dụng một phần để xây dựng đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất - Ga Bình Triệu - Ga Thủ Thiêm và sân Bay Long Thành.

Kéo dài tuyến đường sắt TPHCM - Tây Ninh đến cửa khẩu Mộc Bài để có thêm phương án kết nối liên vận quốc tế với đường sắt Campuchia.

Bổ sung tuyến nhánh kết nối tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ với ga đầu mối hành khách trung tâm Bình Triệu (Cầu Gò Dưa - Ga Bình Triệu) để vận chuyển hành khách từ phía Cần Thơ, Tây Ninh vào trung tâm thành phố. Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ không kéo dài đến Cà Mau để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Bổ sung các tuyến đường sắt đô thị

Ngoài các dự án có trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Sở GTVT TPHCM đề xuất cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 nhiều dự án kết nối với các tỉnh liền kề như: kéo dài đường Võ Văn Kiệt, tuyến đường mở mới Tây Bắc nối Long An, các cầu kết nối Đồng Nai,...

Đồng thời, cân nhắc không quy hoạch các tuyến đường trên cao chạy hướng tâm, xuyên tâm (như đường trên cao số 1, 2, 3, 4) vì có nhiều vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi.

Metro số 1 dự kiến kéo dài tới Bình Dương và Đồng Nai. Ảnh: Anh Tú

Sở GTVT TPHCM cũng đề xuất rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị phù hợp quy mô và tầm nhìn phát triển của TPHCM như: Bổ sung tuyến vận chuyển nhanh, phương tiện nhỏ, hoạt động tự động kết nối nhà ga T1, T2, T3 ở sân bay Tân Sơn Nhất; nghiên cứu bổ sung tuyến kết nối với khu đô thị biển Cần Giờ,...

Nghiên cứu, bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt chuyên dụng kết nối cảng hàng hóa, cảng container, cảng biển mới theo quy hoạch,... Kéo dài tuyến metro số 1 đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, kéo dài tuyến metro số 3a đến tỉnh Long An,... để tăng kết nối vùng.

Theo Sở GTVT TPHCM, quy hoạch của Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 thành phố sẽ xây dựng 1-2 tuyến đường trên cao, thực hiện 2-3 tuyến đường sắt đô thị (metro) để đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa có tuyến đường bộ trên cao nào, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhiều lần lùi tiến độ và chưa thể hoàn thành, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) chưa khởi công.

Đối với quy hoạch đường bộ, quyết định cũng nêu rõ làm 6 trục cao tốc kết nối TPHCM đi các tỉnh với tổng chiều dài hơn 350 km, song đến nay chỉ có hai tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng chiều dài khoảng 146 km, tuyến Bến Lức - Long Thành, dài gần 58 km đang dang dở.

3 dự án đường Vành đai 2, 3, 4 dài hơn 350 km đến nay vẫn còn dang dở, đứt đoạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn