MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh dự án đường trên cao Bắc Nam từ đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh. Ảnh: CII

TPHCM sẽ xây 5 tuyến đường trên cao nối từ trung tâm đi các cửa ngõ

MINH QUÂN LDO | 03/07/2024 06:00

TPHCM - 5 tuyến đường trên cao kết nối trung tâm thành phố đi các cửa ngõ, gồm: 3 tuyến Bắc Nam phía Đông và phía Tây (trong đó có tuyến kết nối cao tốc TPHCM - Mộc Bài về trung tâm thành phố và tuyến dọc theo Quốc lộ 13 từ Phạm Văn Đồng đến Vành đai 3); tuyến Đông Tây kết nối qua sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến dọc Vành đai 2.

Đường trên cao nối TP Thủ Đức và Quận 12

5 tuyến đường trên cao trên đã được TPHCM đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến trình Thủ tướng thông qua thời gian tới.

Hiện Sở Giao thông Vận tải (GTVT TPHCM) đang đề xuất UBND TPHCM cân đối vốn làm tuyến đường trên cao từ nút giao Trạm 2 đến ngã tư An Sương với tổng vốn hơn 15.400 tỉ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030.

Tuyến đường dài 21,5 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đi trùng trên cao Quốc lộ 1 đến nút giao An Sương (Quận 12).

Nút giao Trạm 2 - điểm đầu tuyến đường trên cao đang được đề xuất đầu tư. Ảnh: Anh Tú

Tháng 6.2021, UBND TPHCM đã chấp thuận giao Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO nghiên cứu lập đề xuất dự án đường trên cao trên theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Do tổng mức đầu tư dự án lớn, để đảm bảo phương án tài chính, Sở GTVT TPHCM đề xuất thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98 của Quốc hội để tăng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án.

Ngân sách TPHCM sẽ tham gia thực hiện dự án với tỉ lệ 70% tổng vốn đầu tư - tương đương khoảng 10.800 tỉ đồng.

Sở GTVT TPHCM cho biết, Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương là tuyến huyết mạch nối từ phía Đông sang phía Tây TPHCM, mật độ xe đông nên thường ùn tắc.

Đường trên cao số 5 khi hình thành góp phần giảm kẹt xe những tuyến hiện hữu như Quốc lộ 1, Cộng Hòa, Trường Chinh... Việc xây dựng trên cao sẽ khả thi hơn so với mở rộng đường do ít phải đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư dọc bên. Đường trên cao chủ yếu dùng mặt bằng dải phân cách giữa sẽ giảm ảnh hưởng giao thông trên tuyến.

Ngoài ra, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đang đề xuất làm tuyến đường trên cao Bắc Nam nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với Nam Sài Gòn theo hình thức PPP, tổng vốn hơn 38.000 tỉ đồng.

Dự án dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình), sau đó chạy dọc các tuyến Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7).

Kỳ vọng có đường trên cao nhờ cơ chế mới

Theo quy hoạch phát triển GTVT được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TPHCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km.

TPHCM từng tổ chức kêu gọi đầu tư các tuyến đường trên cao và có một số nhà đầu tư quan tâm, tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, các tuyến đường có tổng mức đầu tư rất lớn, nhất là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nên sau khi nghiên cứu, nhà đầu tư âm thầm rút lui vì thấy khó đảm bảo phương án tài chính.

Phối cảnh dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh. Ảnh: CII

Các dự án đường trên cao tại TPHCM kỳ vọng sớm được triển khai nhờ cơ chế mới trong Nghị quyết 98 của Quốc hội, cho phép tỉ lệ vốn góp của ngân sách TPHCM chiếm 50 - 70% trong tổng vốn đầu tư dự án BOT.

Theo Sở GTVT TPHCM, khi có sự tham gia từ 50% vốn của nhà nước, thì phần vốn góp còn lại rất phù hợp với năng lực nhà đầu tư. Hơn nữa, khi vốn nhà nước tham gia dự án ở phần giải phóng mặt bằng, thì nhà đầu tư sẽ bớt rủi ro.

TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức - nhấn mạnh các tuyến đường trên cao, đường vành đai, đường xuyên tâm là yêu cầu hạ tầng cơ bản, quan trọng nhất để giải quyết giao thông TPHCM thông suốt.

Các đường trên cao được hình thành sẽ tạo thành mạng lưới kết nối các khu vực trung tâm TPHCM và các đầu mối giao thông như cảng hàng không, cảng biển, cửa ngõ, các tuyến đường cao tốc.

“Tách được lượng giao thông liên tỉnh, liên vùng ra khỏi mạng lưới giao thông nội đô sẽ không chỉ giải quyết được ùn tắc hiện hữu mà còn giúp các phương tiện có nhu cầu đi xa di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết giảm nhiều chi phí xã hội” - ông Tuấn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn