MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triều cường năm sau cao hơn năm trước cùng với sụt lún khiến TPHCM ngập thường xuyên hơn. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Sụt lún khiến thành phố “chìm” từ 2-5cm mỗi năm

M.QUÂN - P.NGÂN LDO | 03/09/2022 08:36
Nền đất tại TPHCM bị sụt lún trung bình khoảng 2-5cm mỗi năm, có nơi đến  7-8cm. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp quyết liệt, tình trạng TPHCM “chìm” dần dưới mực nước biển không còn là viễn cảnh xa vời.

TPHCM sụt lún gần 100cm trong hơn 30 năm qua

Ngôi nhà cấp bốn của bà Trương Thị Bình trên đường Lâm Hoành (phường An Lạc, quận Bình Tân) sắp “chìm” đến mái vì sụt lún. Phía trong ngôi nhà đã biến thành một cái ao tù đọng nước. Bà Bình cho biết, hơn chục năm trước gia đình phải xây căn nhà mới bên cạnh, nhưng 5 năm qua tường của ngôi nhà này cũng có dấu hiệu nứt dù đã sửa chữa nhiều lần. “Sống mà nơm nớp lo sợ. Khu này hồi xưa là đất ruộng, khi xây nhà chúng tôi bỏ ra rất nhiều tiền để làm phần móng nhưng không ăn thua” - bà Bình nói. Xung quanh khu vực nhà bà Bình cũng có nhiều ngôi nhà bị lún, nứt không thể sử dụng được và chủ nhà đành bỏ hoang. 

Phường An Lạc có diện tích 4,59km2 nằm ở cửa ngõ phía Tây TPHCM, là địa phương bị sụt lún 81,4cm trong hơn 10 năm qua - mức lún nghiêm trọng nhất khu vực phía Nam, theo kết quả quan trắc được Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố năm 2019.

Tương tự, tại khu vực trung tâm TPHCM, con hẻm bên hông toà nhà The Manor (phường 22, quận Bình Thạnh) được người dân sống ở đây gọi là “con hẻm lún” bởi tốc độ lún khủng khiếp của nó trong những năm qua. Theo ghi nhận, chân bức tường bao quanh một tòa nhà bị đội lên khoảng 30cm, bên dưới hở hàm ếch. Phần móng của bức tường lộ rõ lên khỏi mặt đất. “Tôi đã nâng nền nhà hai lần, với mức nền cao hơn 50cm so với ban đầu nhưng khi mưa lớn vẫn mấp mé thềm nhà” - ông Nguyễn Văn Bình - sống tại đây nói.

Nền đất tại TPHCM bị sụt lún trung bình khoảng 2-5cm mỗi năm, có nơi đến  7-8cm. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp quyết liệt, tình trạng TPHCM “chìm” dần dưới mực nước biển không còn là viễn cảnh xa vời.

Theo PGS.TS Lê Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TPHCM, từ vài điểm nhỏ trên địa bàn bị biến dạng sụt lún, sau hơn 20 năm tình trạng lún mặt đất đã lan rộng khắp TPHCM. Cụ thể, 20 năm trước, biến dạng lún xuất hiện lần đầu tại một vùng nhỏ thuộc quận 6 và Bình Thạnh. Vài năm sau lan ra các quận 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Giai đoạn 2002-2010, nền đất TPHCM không phát triển nhiều vùng lún mới nhưng độ lún tăng nhanh tại Bình Thạnh, Thành phố Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh với giá trị cao nhất lên đến 309mm. Từ năm 2011 đến nay, khu vực trung tâm thành phố tương đối ổn định, vùng lún chủ yếu xuất hiện tại Nhà Bè, Bình Chánh.

Khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) mới đây cho thấy, tình trạng sụt lún nền đất ở TPHCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 100cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5cm mỗi năm. Riêng những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8cm mỗi năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1cm mỗi năm).

Giảm khai thác nước ngầm

PGS.TS Lê Văn Trung cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụt lún tại TPHCM là khai thác nước ngầm và xây dựng công trình trên nền đất yếu. Nước ngầm bị khai thác quá mức sẽ làm thay đổi kết cấu mặt đất, gây sụt lún. TPHCM đang có nhiều khu vực bị sụt lún rất nặng, diễn biến theo từng năm như ở phường An Lạc.

Theo ông Trung, với hơn 60% diện tích của TPHCM có địa hình thấp (dưới 2m) - thấp hơn đỉnh triều ghi nhận được 1,7m (năm 2017). Vì vậy, tình trạng lún mặt đất không chỉ làm ngập nặng nề thêm mà còn làm hư hỏng các công trình hạ tầng khác “Ước tính, đến năm 2070 mực nước biển tăng lên 50cm. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của thành phố” - ông Trung cảnh báo.

Còn theo TS Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường, cách đây 20 năm, ông và các cộng sự đã có nhiều nghiên cứu về tác động của giếng khoan. Khi đó, nước máy còn hạn chế nên ở nhiều vùng như Bình Tân, Bình Chánh, Tân Bình, “nhà nhà dùng giếng khoan, người người dùng giếng khoan”. Những túi nước ngầm bị hút cạn sẽ gây ra sụt lún và suy giảm chất lượng nước. “Ngoài hạn chế việc khai thác giếng khoan vô tội vạ, cần có chính sách hỗ trợ người dân trám lấp giếng khoan đúng cách vì nếu trám lấp bừa bãi, tác hại còn nghiêm trọng hơn. Kiểm soát việc khai thác nước ngầm bây giờ là hơi muộn, nhưng theo tôi vẫn còn kịp” - ông Bá nói.

Hiện TPHCM có 342.657 giếng nước ngầm (bao gồm cả giếng chưa đăng ký). Tính theo số lượng, các giếng nước ngầm hầu hết nằm ở các khu vực đô thị có tình trạng sụt lún nghiêm trọng, tức các quận 6, 8, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân.

Dù TPHCM đã cấp nước sạch cho 100% người dân nhưng tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm không giảm mà có dấu hiệu tăng. Thống kê của Sở TNMT TPHCM cho thấy lượng nước ngầm được khai thác hiện nay khoảng 600.000m3/ngày, trong đó khoảng 77% lượng nước hàng ngày này được khai thác để sử dụng cho sinh hoạt, bao gồm các cơ sở thương mại. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) khoảng 70.000m3/ngày.

TPHCM đã ban hành lộ trình giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày vào năm 2025. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, việc giảm khai thác nước ngầm sẽ hướng đến 4 nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất chính: Hộ gia đình; khu chế xuất - khu công nghiệp; nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất - khu công nghiệp không phải hộ gia đình; Sawaco.

Cụ thể, Sở đã đề nghị UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm với chỉ tiêu 32% với đối tượng là hộ dân, doanh nghiệp có lượng khai thác dưới 20m3/ngày do các địa phương quản lý. Đối với hộ dân, Sở phối hợp cùng với UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện để tuyên truyền sử dụng nước sạch thay cho nước giếng. Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, khu chế xuất - khu công nghiệp do Sở TNMT quản lý, sở sẽ báo cáo ngừng cấp giấy phép 151 công trình với tổng lượng khai thác hơn 50.000m3/ngày.

* Ông Bùi Thanh Giang - Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, đến năm 2025, công ty cam kết mức khai thác nước ngầm giảm còn 30.000m3/ngày. Lượng nước này sẽ được đưa vào chế độ dự phòng nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố khi có sự cố về nguồn nước mặt. Để thực hiện mục tiêu này và đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân, công ty sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600.000m3/ngày.

* UBND TPHCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp JICA xây dựng đề án ứng phó sụt lún nền dựa trên kinh nghiệm của Jakarta (Indonesia) và Tokyo (Nhật Bản) trong quý IV/2022. Dự án sẽ nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và các kịch bản của chính quyền địa phương, và thiết lập kế hoạch ứng phó sụt lún cho thành phố.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn