MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nút giao An Phú gần 3.400 tỉ đồng là một trong dự án được góp vốn từ nguồn thu phí cảng biển. Ảnh: Hữu Chánh

TPHCM tăng tốc đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển

MINH QUÂN LDO | 25/12/2023 06:00

Với khoảng 2.000 tỉ đồng mỗi năm từ thu phí hạ tầng cảng biển, các dự án Vành đai 2, 3, 4, cầu Thủ Thiêm 4, đường nối cảng Cát Lái - Phú Hữu đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy… sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.

Hàng loạt dự án trọng điểm sắp triển khai

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, sau gần 2 năm thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển (từ 1.4.2022), ngân sách TPHCM đã thu được gần 4.000 tỉ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, nguồn phí hạ tầng cảng biển được bố trí riêng để làm các công trình hạ tầng kết nối cảng, không đầu tư qua các lĩnh vực khác.

HĐND TPHCM đã thông qua danh mục 27 dự án trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển gồm 27 công trình được sử dụng nguồn này.

Trong năm nay, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư hai đoạn Vành đai 2 qua TP Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến Võ Nguyên Giáp (dài 3,5km, vốn hơn 9.300 tỉ đồng) và từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,5km, vốn 4.543 tỉ đồng). Hai dự án này sẽ khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2027 tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ.

Ngoài tăng năng lực khai thác hàng hóa cho các cảng, trục đường này giúp phân luồng, giảm ùn tắc cho nội đô. Cùng với Vành đai 2, Vành đai 3 đang được đẩy nhanh thi công hoàn thành năm 2025 và Vành đai 4 cũng đang hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai giai đoạn 2025 - 2027.

Tại khu vực quanh cảng Cát Lái, TPHCM sẽ tập trung hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy (tổng vốn 3.622 tỉ đồng) với các hạng mục còn lại như cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái về cầu Phú Mỹ; xây cầu Kỳ Hà 4... Đẩy nhanh hoàn thành nút giao An Phú tổng vốn 3.400 tỉ đồng năm 2025.

TPHCM cũng đang nghiên cứu làm tuyến đường mới liên cảng Cát Lái - Phú Hữu đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dài 6km với 12 làn xe. Tổng mức đầu tư tuyến đường này hơn 8.700 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2023 - 2030. Ngoài ra, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu (dài 2,6km) cũng được mở rộng lên 30m, vốn đầu tư 1.630 tỉ đồng.

Tại khu vực cảng Tân Thuận, Khánh Hội (Quận 4), dự án cầu Thủ Thiêm 4 vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành 2028 giúp giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư - Nguyễn Văn Linh.

Phía cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) sẽ mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ năm 2024 và nghiên cứu làm đường ven sông kết nối cảng dọc sông Soài Rạp...

Trông chờ nguồn thu phí cảng biển là chưa đủ

Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, ước tính nhu cầu để triển khai các dự án giảm tải khu vực cảng Cát Lái là 95.000 tỉ đồng. Với việc phân bổ ngân sách như hiện nay, nếu không có khoản thu từ phí hạ tầng cảng biển, TPHCM sẽ mất thêm khoảng 15 năm mới có thể xây dựng hạ tầng theo kịp nhu cầu thực tế.

Tuy vậy, hiện nay để bung hết sức làm đồng bộ các dự án thì khoản thu phí hiện cũng chưa thể đáp ứng. Vì thế, Sở GTVT đang phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư tính toán phương án giải bài toán vốn, huy động tài chính từ doanh nghiệp tham gia thông qua phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm đảm bảo nguồn vốn tăng cường hạ tầng cho khu vực cảng Cát Lái.

Tại hội nghị sơ kết công tác thu phí hạ tầng cảng biển ngày 22.12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, nguồn thu phí đã xác định rõ sẽ sử dụng để tái đầu tư hạ tầng kết nối cảng, nên ngành giao thông cần ưu tiên công trình cấp bách để sớm triển khai. Giao thông thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là vận chuyển. Nhận định nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu phí hạ tầng cảng biển là không đủ, lãnh đạo TPHCM yêu cầu nghiên cứu bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh triển khai các dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn