MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực công viên bến Bạch Đằng (Quận 1). Ảnh: Anh Tú

TPHCM tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn

MINH QUÂN LDO | 03/09/2023 14:23

TPHCM - Hai bên bờ sông Sài Gòn, giữa bến Bạch Đằng và quảng trường công viên của Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được chỉnh trang, bổ sung các tiện ích nhằm tạo điểm nhấn thu hút người dân và du khách.

Bến Bạch Đằng khang trang nhưng còn thiếu

Bến Bạch Đằng (Quận 1) là khu vực cảnh quan quan trọng bậc nhất bên sông Sài Gòn. Không gian cảnh quan khu vực này gắn liền với các di sản thiên nhiên, kiến trúc đô thị, lịch sử cách mạng như: bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, quảng trường quanh tượng Trần Hưng Đạo...

Mới đây, khu vực công viên bến Bạch Đằng cùng với quảng trường quanh tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo sau khi được chỉnh trang tạo nên không gian đô thị đẹp, ấn tượng cho khu vực này.

Tuy nhiên, thiết kế cảnh quan nơi đây bị đánh giá là chưa hoàn hảo, thiếu không gian dịch vụ cho người dân. Đặc biệt thiếu phương án giao thông kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ nên người dân muốn đi qua khu bờ sông còn khó khăn.

Công viên bến Bạch Đằng hiện thiếu cây xanh và tiện ích. Ảnh: Anh Tú

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng, sau giai đoạn 1, việc cải tạo, chỉnh trang công viên trên bến Bạch Đằng đã có một số điểm tích cực, trong đó có việc thu hút sự quan tâm trở lại của người dân với một công trình mà gần như trước đó đã bị lãng quên. Nhưng ông vẫn cho rằng, còn nhiều thứ cần được điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong giai đoạn 2.

Bên cạnh việc thiếu cây xanh và bãi giữ xe, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, bến Bạch Đằng còn thiếu các điểm kết nối cầu hoặc hầm đi bộ để đi từ khu vực trung tâm qua bến. “Muốn sang công viên, người dân phải băng qua đường đầy xe cộ, rất nguy hiểm. Hiện không lối qua đường nào bảo đảm an toàn cho họ. Chỗ ngồi nghỉ ngơi, uống nước, quầy hướng dẫn cũng đang thiếu” – ông Sơn nói.

Khu vực công viên bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh. Ảnh: Anh Tú

Ông Sơn cũng cho rằng, bến Bạch Đằng còn thiếu điểm nhấn cảnh quan. Do đó, tại giao lộ từ đường Nguyễn Huệ ra bến Bạch Đằng, có thể đặt một công trình mang tính biểu tượng, có thể là một công trình điêu khắc hoặc một tháp quan sát để ngắm cảnh.

“Công viên ven sông phải là không gian cảnh quan, thư giãn và phải có bóng mát, không gian đó phải kết nối thuận tiện với giao thông công cộng. Các dịch vụ tối thiểu phải có như bãi xe, nhà vệ sinh. Đồng thời, cần có một số tiện ích dọc theo tuyến sông như vài điểm để ngắm cảnh, nghỉ ngơi, phủ sóng wifi, có trạm điện thoại, trạm thông tin để hướng dẫn, giúp đỡ du khách” – ông Sơn nói.

Xây cầu đi bộ kết nối đôi bờ sông Sài Gòn

Phương án quy hoạch chi tiết theo tỉ lệ 1/500 khu công viên Bạch Đằng (Quận 1) mới đây đã được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cơ bản thống nhất.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, ở giai đoạn 1, khu vực bến cảng Bạch Đằng sẽ cải tạo, sắp xếp hoạt động các bến thủy nội địa hiện hữu.

Trên đường Tôn Đức Thắng sẽ xây dựng hai cầu đi bộ kết nối với công viên bến Bạch Đằng, gồm: một cầu cuối đường Hàm Nghi và một cầu gần Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Một phối cảnh cầu đi bộ băng qua sông Sài Gòn. Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM.

Để kết nối công viên bến Bạch Đằng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một cầu đi bộ băng qua sông Sài Gòn cũng sẽ được xây dựng.

Thành phố sẽ xây thêm nhà vệ sinh công cộng, tăng cường cây xanh, tiện ích công cộng, bãi đậu xe tại khu công viên bến Bạch Đằng.

Ở giai đoạn 2 sẽ ngầm hóa lòng đường Tôn Đức Thắng. Không gian ngầm bao gồm 3 tầng, trong đó tầng 1 gồm 6 làn xe và trung tâm thương mại hai bên đường. Tầng 2 gồm trung tâm thương mại và bãi xe ngầm. Tầng 3 toàn bộ là bãi giữ xe ngầm.

TPHCM sẽ làm tuyến monorail (tàu điện một ray) dọc công viên bến Bạch Đằng phục vụ cho nhu cầu tham quan, ngắm cảnh, thu hút khách du lịch và góp phần tham gia đa dạng hóa giao thông công cộng.

Toàn cảnh đôi bờ sông Sài Gòn chảy qua bến Bạch Đằng (Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức). Ảnh: Anh Tú

Để tạo không gian tương xứng với bến Bạch Đằng, phía bên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ được TPHCM cải tạo cảnh quan.

Cụ thể, đoạn bờ sông từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm (dài khoảng 830 m) sẽ được làm sạch, tạo thông thoáng chiều rộng khoảng 50 m vào phía bờ.

Tại các vị trí bãi bồi, khu bán ngập nước sẽ được lắp đặt bè nổi trồng cây thuỷ sinh. Đoạn trước nhà thờ đến nóc hầm Thủ Thiêm dài 200 m được tính toán tận dụng rào chắn công trình kết hợp trồng tre, trúc, tạo tường xanh dọc bờ sông.

Khu vực phía trước nhà thờ Thủ Thiêm dự kiến được bố trí các màn hình led phục vụ cổ động, tuyên truyền, tạo ánh sáng về đêm. Đồng thời, tại nóc hầm Thủ Thiêm cũng sẽ bố trí một số công trình trang trí như: đu quay đứng, cầu đi bộ, khung vòm cảnh quan...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn