MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập đội bắt chó thả rông. Ảnh: Tuệ Nhi

TPHCM: Thành lập nhiều tổ công tác đặc biệt xử lý nạn chó thả rông

TUỆ NHI LDO | 02/03/2023 08:40

Chó thả rông, không rọ mõm chạy ngoài đường vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, những tổ công tác đặc biệt xử lý vấn nạn chó thả rông được người dân đồng tình và mong nhân rộng. 

Đưa ra biện pháp hạn chế chó thả rông 

Những con chó thả rông, không đeo rọ mõm, không bị xích, không có chủ đi cùng vẫn vô tư lang thang, "vui chơi" ở những nơi công cộng, mặc dù đã xảy ra nhiều trường hợp người bị chó cắn nghiêm trọng trong thời gian gần đây. 

TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập đội bắt chó thả rông. Thời gian qua, người dân TPHCM nhắc nhiều tới đội bắt chó của phường Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TPHCM), thường xuyên hoạt động, sẵng sàng mọi lúc, mọi nơi khi nhân dân phản ánh về sự xuất hiện của chó thả rông trên địa bàn. 

Để tăng cường công tác quản lý chó nuôi để phòng chống bệnh dại và đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều địa phương cũng đã xây dựng những biện pháp riêng. Chủ tịch UBND phường 3, quận Bình Thạnh Nguyễn Quốc Trung cuối tháng hai đã ký văn bản thành lập 1 tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng cùng 12 thành viên để thực hiện nhiệm vụ này. Tổ công tác có sự góp mặt của nhiều đơn vị tham gia như công an phường, trật tự đô thị, các đoàn thể... với sự phối hợp của trạm chăn nuôi thú y, các khu phố. 

Chủ tịch phường 3 giao nhiều nhiệm vụ cho tổ công tác như rà soát, thống kê số lượng đàn chó chuẩn bị đầy đủ vaccine tiêm phòng; giải quyết các tình trạng về chó thả rông không rọ mõm, phóng uế gây ô nhiễm môi trường và xử lý theo quy định pháp luật; tổ chức tiêm phòng vaccine; tuyên truyền tới người dân...  

Trạm chăn nuôi thú y liên quận Phú Nhuận, Bình Thạnh cũng cử cán bộ xuống các phường để phối hợp công tác tiêm phòng dại. 

Trước đó, UBND TPHCM cũng đã quan tâm ban hành quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố về ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ chi phí nhiều về tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, chó, mèo trên địa bàn TPHCM như vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo, vaccine lở mồm long móng sử dụng cho heo, dê, cừu, trâu, bò; vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng sử dụng cho trâu, bò; vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Theo Bộ Y tế, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hằng năm, thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016.

Tuy nhiên từ năm 2022, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở nhiều tỉnh thành. Ngày 29.9.2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã ký ban hành văn bản 5396 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại.

Theo nghiên cứu của WHO, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người.

Đáng chú ý, tỉ lệ lây truyền bệnh từ chó qua vết cắn, cào chiếm 96,1%, nguy cơ lây truyền qua vết cắn từ các động vật khác chiếm 3,9%.

Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó khi bị chó dại cắn, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Đồng thời, cần theo dõi con vật sát sao. Khi nuôi động vật trong nhà, người dân phải đưa chó mèo đi tiêm phòng đầy đủ.

Thời gian ủ bệnh dại từ 3 ngày đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài hơn. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều tử vong. 

Khi phát dại, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc tử vong.

Chỉ trong tháng 1.2023, hệ thống y tế các tỉnh Đông Nam Bộ và TPHCM tiếp nhận hơn 5.000 lượt tiêm vaccine phòng bệnh dại, tăng 25% so với tháng 12.2022 và tăng 400% so với tháng 11.2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn