MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường phố TPHCM giao thông tấp nập trở lại sau khi trở về trạng thái “bình thường mới”. Ảnh: Thanh Vũ

TPHCM thông qua nhiều chính sách phục hồi kinh tế

MINH QUÂN LDO | 19/10/2021 06:00
Dịch COVID-19 đã khiến tổng sản phẩm (GRDP) 9 tháng đầu năm của TPHCM giảm gần 5%, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 32% và hàng loạt chỉ tiêu không đạt. Lãnh đạo TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch đồng bộ với phục hồi các hoạt động kinh tế, từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái “bình thường mới”.

Sẽ triển khai các giải pháp không để thiếu hụt lao động

Ngày 18.10, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa X, nhìn lại kết quả phòng, chống dịch thời gian qua, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, đến nay 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã kiểm soát được dịch. Trong đó, số ca nhiễm trong ngày đã giảm xuống mức 3 con số và số tử vong giảm xuống 2 con số. Tỉ lệ tiêm vaccine mũi một cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt gần 99% và tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%,…

Để có kết quả kiểm soát dịch như hôm nay, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết, TPHCM đã trả một cái giá không nhỏ. Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần 5 tháng qua buộc TPHCM phải duy trì giãn cách xã hội nhiều lần và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch triệt để, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân.

Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm nay giảm mạnh; giá trị tổng sản phẩm (GRDP) ước giảm 4,98% và dự báo cả năm giảm 5,06% (trong khi mục tiêu đặt ra ban đầu là tăng 6%). Tổng số vốn đầu tư công giải ngân chỉ đạt 32% kế hoạch. Qua rà soát 20 chỉ tiêu chủ yếu (với 29 chỉ tiêu thành phần) năm 2021 theo Nghị quyết HĐND TPHCM, dự kiến chỉ hoàn thành 11 chỉ tiêu, không hoàn thành 13 chỉ tiêu, 5 chỉ tiêu chưa tính toán được trong thời điểm này. Năm 2021, TPHCM được Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách 365.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TPHCM, dự báo thu ngân sách nhà nước không giảm sâu, nhưng việc hoàn thành kế hoạch năm nay sẽ khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

TPHCM sẽ ban hành kế hoạch chi tiết triển khai 11 chiến lược phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM trong giai đoạn mới. Trong đó, triển khai mở cửa từng bước thận trọng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái “bình thường mới”.

Lãnh đạo TPHCM cho biết, sẽ chủ động tiếp cận nguồn vaccine, thuốc đặc trị COVID-19, trang thiết bị vật tư y tế, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ngay khi có hướng dẫn của bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp. Ngoài ra, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, sẵn sàng mở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn về dịch bệnh.

TPHCM cũng sẽ rà soát đánh giá toàn diện lực lượng lao động để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Thành phố cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích việc xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết thêm, TPHCM tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung tồn tại liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc ở những dự án trọng điểm của thành phố như dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng, dự án metro số 1,...

Thông qua nhiều tờ trình quan trọng phục hồi kinh tế

Hôm nay, dự kiến HĐND TPHCM xem xét thông qua Nghị quyết liên quan các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, văn hóa - xã hội, như: Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố giai đoạn 2021-2025; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; hỗ trợ giáo dục cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập...

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM với tổng số vốn là 121.933 tỉ đồng. Các dự án nổi bật được đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 như: Tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2; dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng,...

Trong khi đó, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) được quy hoạch nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện. Tuyến cao tốc này dài 50km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỉ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Giai đoạn 1, tuyến cao tốc có 4 làn xe, dự kiến xong trong năm 2025.

Nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh, UBND TPHCM dự trù 427 tỉ đồng hỗ trợ học phí kỳ I cho hơn 1,7 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên, kể cả trường ngoài công lập. 

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND TPHCM tiếp tục đề nghị HĐND TPHCM cho lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1.4.2022, chậm 6 tháng so với kế hoạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn