MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đang triển khai nâng cấp hệ thống xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch. Ảnh: M.Q

TPHCM tìm giải pháp phát triển giao thông công cộng bền vững

MINH QUÂN LDO | 13/12/2017 17:13
TPHCM nên đưa vào sử dụng loại hình xe buýt lai giữa xe sử dụng nhiên liệu diesel và xe điện. Sau một thời gian phát triển xe buýt lai sẽ tiếp tục đầu tư chuyển hẳn sang phát triển hệ thống xe buýt điện để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

Ngày 13.12, Sở GTVT TPHCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp giao thông công cộng bền vững cho TPHCM” với sự tham dự của một số chuyên gia quốc tế.

Theo Sở GTVT TPHCM, ngành giao thông đã xây dựng nhiều chiến lược phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm kéo giảm lượng xe cá nhân, giảm ùn tắc. Trong đó, xe buýt là loại hình chủ lực cần tập trung phát triển.

Khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2017 ước đạt 604 triệu lượt, mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại. TPHCM đang cố gắng nỗ lực để đến 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15 – 20% nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện nay, TPHCM đang triển khai nâng cấp hệ thống xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch, nâng cao chất lượng phục vụ…Dự kiến đến 2020 tuyến xe buýt chất lượng dịch vụ cao (BRT) số 1 sẽ đưa vào khai thác và tuyến metro số 1 cũng sẽ hoàn thành.

Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng, dự kiến phát triển thêm 80 tuyến xe buýt đến đến năm 2020 có 200 – 220 tuyến xe buýt, số phương tiện hơn 5.600 xe.

Tuy nhiên, quá trình phát triển hệ thống xe buýt cũng gặp không ít khó khăn về mặt hạ tầng, các trạm nạp khí CNG còn thiếu.

Đại diện Công ty Volvo (Thụy Điển) – đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các loại hình xe buýt - cho rằng, TPHCM cần có hệ thống xe buýt hoạt động hiệu quả thì mới phát triển giao công cộng bền vững được. Đơn vị này đề xuất thành phố nên đưa vào sử dụng loại hình xe buýt lai giữa xe sử dụng nhiên liệu diesel và xe điện.

Đây là phương tiện xe buýt nhanh (BRT), hoạt động tiết kiệm, lượng khí thải thấp hơn so với xe buýt nhiên liệu CNG. Sau một thời gian phát triển xe buýt lai sẽ tiếp tục đầu tư chuyển hẳn sang phát triển hệ thống xe buýt điện để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

Với đặc điểm đô thị riêng, TPHCM có thể phát triển BRT bắt đầu từ xe buýt nhanh hạng nhẹ, có làn đường riêng, sau đó tích hợp thêm hệ thống công nghệ thông tin. 

GĐ Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường khẳng định, TPHCM ủng hộ các phương pháp đổi mới xe buýt hướng đến thu hút người dân tham gia giao thông công cộng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông hiện nay còn nhiều trở ngại như: Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang hẹp, rất khó có làn đường riêng. Bên cạnh đó, tình trạng ngập nước còn tồn tại sẽ gây khó khăn cho hoạt động của xe buýt điện.

“Trong thời gian tới, TP xây dựng BRT, đồng thời phát triển mạng lưới xe buýt thông minh, chất lượng làm cơ sở phát triển giao thông công cộng bền vững, đảm bảo giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường” – ông Cường nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn