MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực Thành phố Thủ Đức (TPHCM) có địa hình cao nhưng vẫn ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Minh Quân

TPHCM tìm hướng sống chung với nước

MINH QUÂN - PHƯƠNG NGÂN LDO | 05/09/2022 10:32

Trước những dự báo về tình trạng sụt lún, nước biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều khu vực ở TPHCM trong vài chục năm tới, chuyên gia cho rằng, đã đến lúc TPHCM tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước.    

Không thể kiểm soát ngập 100%

Triều cường tại TPHCM có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Trước năm 2007, thành phố chỉ có đỉnh triều là 1,5m thì đến giai đoạn 2012 - 2018 đã lên 1,68m. Đến năm 2019, đỉnh triều tại TPHCM thiết lập kỷ lục mới là 1,77m.

Trong khi đó, nền đất tại TPHCM chịu ảnh hưởng bởi sụt lún diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 100cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5cm mỗi năm. Riêng những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8cm mỗi năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1cm mỗi năm).

Trong đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030, TPHCM nhận định, để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới.

Bởi, TPHCM là 1 trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Theo dự báo, khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của TPHCM đến cuối thế kỷ XXI lần lượt là 128km2, 204km2 và 473km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65cm, 75cm và 100cm. Điều này có nghĩa khoảng 1/4 diện tích của TPHCM sẽ chìm trong nước khi nước biển dâng tới mốc 100cm. Do đó, TPHCM xác định thời gian tới là cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất...

Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cố gắng giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550km2; tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng 106,41km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại. Giai đoạn 2026 - 2030, thực hiện các dự báo, kiểm soát ngập nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khi hậu.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM - cho biết, theo kịch bản xấu nhất của Liên Hợp Quốc, năm 2050, TPHCM sẽ ngập thường trực đến 70% diện tích. Tuy kịch bản này chỉ mang tính tham khảo, nhưng ông Hòa cho rằng, TPHCM cần phải thay đổi nhận thức và có sự quyết tâm để tránh tình huống xấu nhất.

Theo đó, ông Hòa cho rằng, thay vì lựa chọn các giải pháp chống ngập cưỡng bức là xây dựng thêm dự án, công trình, TPHCM cần khơi thông tất cả tuyến kênh, rạch, khôi phục lại hệ thống thoát nước tự nhiên trước đây. Trước năm 1980, TPHCM thoát nước bằng hệ thống kênh, rạch tự nhiên là chính, nay đã bị lấp hết hoặc nếu còn cũng không thể chảy.

"TPHCM cần khai thông 5 tuyến kênh, rạch chính, cải tạo, nâng cấp tuyến rạch Xuyên Tâm thì có ngập cũng không còn nghiêm trọng" - ông Nguyễn Minh Hòa nói. Bên cạnh đó, TPHCM cần xây các hầm chứa nước lớn. Mỗi khi mưa lớn, triều cường, nước sẽ được đổ dồn về các hầm này và bơm ra biển, sông lớn trong thời gian phù hợp.

Xây dựng những đô thị ngập nước

Bên cạnh giải pháp khơi thông kênh rạch, xây hồ điều tiết chống ngập, có ý kiến cho rằng, với tình trạng sụt lún như hiện nay cùng với biến đổi khí hậu, đã đến lúc TPHCM tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước.

PGS-TS Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) - đề xuất TPHCM xây dựng những đô thị ngập nước. Các khu đô thị ngập nước có thể hình thành trong tương lai ở khu vực phía Tây như Bình Chánh, Hóc Môn; phía Nam là Nhà Bè; phía Đông là Thành phố Thủ Đức… “Ở những khu vực này, thay vì đắp lên thì sẽ xây dựng thành những đô thị ngập nước kiểu ở Ý hay Hà Lan chẳng hạn. Đây mới là giải pháp tối ưu trong công tác chống ngập vì nó không cản dòng chảy của nước, nước sẽ về nơi trũng và hình thành khu đô thị ngập nước” - ông Phi nói.

Theo ông, khi nước có chỗ lưu trú thông qua các khu đô thị ngập nước, các hồ điều tiết thì hiển nhiên tình trạng ngập sẽ giảm đáng kể. Theo tính toán, hệ thống cống thoát nước hiện tại của TPHCM chỉ đáp ứng 70%. Như vậy, 30% còn lại sẽ do các hồ điều tiết, các khu đô thị ngập nước, các giải pháp mềm trong chống ngập đảm nhiệm. Đó là chưa kể khi nước được giữ lại trong các hồ điều tiết, khu đô thị thì TPHCM sẽ dần mát hơn. Đồng thời, các khu đô thị ngập nước sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai thích du lịch sinh thái.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về quy hoạch đô thị - sống chung với nước nên hiểu trong một số khu vực chứ không phải cả một siêu đô thị như TPHCM đều phải sống chung với nước. Những khu vực trung tâm, khu vực trọng điểm phải nâng nền lên đủ cao, xử lý không gian cho nước đủ để đảm bảo không bao giờ ngập. “Khu đô thị mới Thủ Thiêm là vùng đất thấp và thành phố sẽ đặt trung tâm tài chính quốc tế tại đây. Do đó, phải nâng nền đủ cao để đảm bảo khu vực này không bị ngập. Không thể chấp nhận một trung tâm tài chính quốc tế mà sống chung với ngập” - ông Sơn lưu ý.

Tuy vậy, tại những khu vực đang chỉnh trang đô thị, vùng đất thấp như quận 7, 4, Bình Thạnh… vị kiến trúc sư này cho rằng không thể làm đê bao hay nâng nền cả khu vực rộng lớn để chống ngập, như vậy là không khả thi. “Những vùng đất đó trong tương lai biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì sẽ trở thành vùng ngập. Như vậy, sống chung với nước là chỉ ở những khu vực đang chỉnh trang, nhưng đời sống người dân vẫn phải đảm bảo” - ông Sơn nói.

Trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn cho các công trình chống ngập ở TPHCM ước tính cần hơn 101.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 31.400 tỉ đồng, còn lại từ vốn Trung ương, PPP, ODA... Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM chi hơn 25.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn