MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TPHCM dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Ảnh: Anh Tú

TPHCM trước thách thức làm 200km metro trong 12 năm

MINH QUÂN LDO | 08/07/2023 15:41

TPHCM – Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM thành lập Tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM nhằm tìm giải pháp đột phá hoàn thành 200km metro từ nay đến năm 2035.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR), Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM vào năm 2035.

Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TPHCM hơn 220km với tổng mức đầu tư hơn 25 tỉ USD, nhưng đến nay TPHCM mới triển khai được 2 tuyến.

Trong đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài gần 20km dự kiến hoàn thành cuối năm nay và tuyến Metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11 km dự kiến hoàn thành năm 2032.

Theo MAUR, tuyến Metro số 1 thực hiện khoảng 16 năm và tuyến Metro số 2 khoảng 22 năm. Thực tế sau khoảng 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TPHCM vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào chính thức vận hành thương mại.

Việc TPHCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200km) trong 12 năm là một thách thức rất lớn. Nếu TPHCM tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian qua thì không thể thực hiện được mục tiêu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

MAUR cho rằng TPHCM phải quyết tâm thay đổi hết sức quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035. Trong đó, có thể nhận diện 5 lĩnh vực trọng yếu nhất cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lộ trình thực hiện.

Cụ thể: quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư; phê duyệt và triển khai dự án; giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

Để làm được các công việc trên, MAUR đề xuất UBND TPHCM thành lập Tổ công tác xây dựng đồ án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM. Tổ công tác này dự kiến có 14 thành viên do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm tổ trưởng và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường làm tổ phó thường trực. 12 thành viên còn lại là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Cũng theo MAUR, Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép TPHCM khai thác quỹ đất, không gian dọc tuyến metro theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Mô hình này giúp TPHCM huy động tối đa nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn ngân sách để phát triển xây dựng hệ thống metro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn