MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công dự án nút giao An Phú hơn 3.400 tỉ đồng ở TP Thủ Đức. Ảnh: Anh Tú

TPHCM trước thách thức phải tiêu hơn 44.000 tỉ đồng trong 60 ngày

MINH QUÂN LDO | 31/10/2023 20:03

TPHCM bước vào 60 ngày “chạy nước rút” giải ngân hơn 44.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Tập trung 4 giải pháp

Năm 2023, UBND TPHCM đã phân bổ 68.490 tỉ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư mới giải ngân được 24.199 tỉ đồng (chỉ đạt 35% kế hoạch).

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (TCIP) năm nay được giao hơn 30.000 tỉ đồng - tương đương gần 44% tổng vốn đầu tư công toàn TPHCM.

Trao đổi với Lao Động, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc TCIP cho biết, đến nay, Ban đã giải ngân được 13.600 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 44%).

Theo ông Lương Minh Phúc, TCIP đang tập trung vào 4 nhóm giải pháp trong 2 tháng còn lại để giải ngân trên 95% vốn được giao.

Một là đẩy nhanh thi công ở những công trình đang thi công và không vướng mặt bằng.

Hai là đẩy nhanh khởi công các gói thầu xây lắp còn lại ở các dự án đã khởi công, đặc biệt là dự án Vành đai 3.

Hiện dự án Vành đai 3 đã khởi công 4 gói thầu xây lắp. Từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 6 gói thầu xây lắp còn lại.

Ba là TCIP cùng các địa phương tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành hơn 20 dự án giải phóng mặt bằng - chiếm hơn 40% tổng vốn còn lại.

Cuối cùng, TCIP phối hợp các địa phương, sở, ngành rút ngắn thời gian xử lí các tình huống phát sinh; báo cáo kịp thời cho các tổ công tác của UBND TPHCM, các ban chỉ đạo của Thành ủy TPHCM để xử lí nhanh nhất những vướng mắc.

Điều chuyển vốn sang dự án hấp thụ tốt

Theo thống kê của UBND TPHCM, đến nay, có 18 chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào dù năm 2023 được giao hơn 5.900 tỉ đồng. Dự kiến có 1.807 dự án sẽ giải ngân đạt 95% và khoảng 233 dự án giải ngân dưới 95% với số vốn không thể giải ngân là hơn 19.500 tỉ đồng.

Lí do, nhiều dự án chưa được quận, huyện khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đến khi duyệt phương án bồi thường thì chi phí thực tế thấp hơn số được duyệt, dẫn đến không thể giải ngân.

Đơn cử như dự án Vành đai 3 TPHCM được UBND TPHCM phê duyệt chi phí giải phóng mặt bằng hơn 18.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau khi rà soát hồ sơ pháp lí đất của người dân và quỹ đất đền bù, các địa phương xác định tổng chi phí bồi thường, tái định cư cho dự án còn 11.700 tỉ đồng, giảm hơn 7.200 tỉ đồng so với mức phê duyệt.

Công trường dự án Vành đai 3 qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Hữu Chánh

Vành đai 3 không phải dự án duy nhất thừa vốn ở TPHCM. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, danh sách dự án thừa vốn còn có đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) giảm 225 tỉ đồng; đường D8 (đoạn từ Bùi Minh Trực đến Tạ Quang Bửu, Quận 8) giảm 50 tỉ đồng; đường Vành đai Đầm Sen (Quận 11) giảm 40 tỉ đồng; cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức) giảm 195 tỉ đồng; cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) giảm 147 tỉ đồng,…

Hiện Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương khẩn trương đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chuyển phần vốn dự kiến không giải ngân hết sang các dự án hấp thụ tốt nhằm tăng tỉ lệ giải ngân chung trên toàn thành phố.

Trước đó, ngày 20.10, tại hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu các đơn vị, các địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án, người đứng đầu có cam kết gửi Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM và Ban Thường vụ Thành ủy… về giải ngân đầu tư công.

Theo ông Đặng Quốc Toàn - Chánh Văn phòng UBND TPHCM, đến nay, đã có 18/22 địa phương cam kết giải ngân từ 95% trở lên. 4 địa phương còn lại gồm Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, TP Thủ Đức cam kết giải ngân 80-95%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn