MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cầu Long Kiểng mới (huyện Nhà Bè) đã duyệt gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hàng ngày người dân phải đi trên cầu tạm cũ kỹ, xuống cấp. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Vướng giải phóng mặt bằng, 75% dự án giao thông chậm tiến độ

MINH QUÂN LDO | 20/06/2020 14:20

Vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm hàng loạt dự án giao thông tại TPHCM chậm tiến độ. Đáng chú ý có đến 3/4 tổng số dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khiến ngưng trệ, lãng phí.

Ngổn ngang, tăng chi phí

Thực tế thời gian qua, rất nhiều dự án trọng điểm của TPHCM đã phải chịu thiệt hại do khâu giải phóng mặt bằng chậm trễ. Đơn cử như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong do nhiều đoạn mặt bằng không có. Trong đó, khó khăn lớn nhất là đoạn qua tỉnh Bình Dương, khi khối lượng GPMB còn rất lớn. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, chi phí bồi thường giải tỏa dự án mở rộng xa lộ Hà Nội qua địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện tăng lên 2.780 tỉ đồng, gần gấp đôi so với quyết định năm 2016 của UBND TPHCM về điều chỉnh bổ sung cho công tác đền bù, GPMB trên địa bàn tỉnh này với số tiền 1.410 tỉ đồng. 

Tương tự, với 4 tuyến đường vành đai được quy hoạch tại TPHCM, hiện chỉ đường vành đai 2 gần khép kín nhưng những đoạn chưa khép kín cũng đặc biệt khó khăn do GPMB. Trong nhiều đoạn của tuyến vành đai 2, dự án từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) có chiều dài chỉ 2,75km dù khởi công năm 2017 nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 60% và phải tạm ngưng vì không có mặt bằng thi công. Công trường không bóng công nhân, sắt thép gỉ sét, cỏ mọc um tùm, đất đai trồi sụt, nước đọng thành từng vũng lớn... Thoạt nhìn không ai nghĩ đây là dự án được đầu tư cả nghìn tỉ đồng của TPHCM.

Một trong những dự án trọng điểm khác là tại ngã tư An Sương (giáp quận 12 và huyện Hóc Môn, TPHCM), theo kế hoạch sẽ hoàn thành toàn bộ 2 nhánh hầm nối giữa đường Trường Chinh và Quốc lộ 22 từ năm 2018. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đưa vào khai thác nhánh N1 (hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22), còn hướng ngược lại chưa hoàn thành bởi chậm trong GPMB. Nút giao An Sương có áp lực giao thông lớn và điểm đen tai nạn tại TP nhiều năm. Đây là điểm kết nối nhiều trục đường lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 và đường Trường Chinh, chưa kể còn có Bến xe An Sương, dẫn đến nên tình hình giao thông luôn căng thẳng. Vì vậy, việc dự án chậm tiến độ khiến tai nạn vẫn rình rập, kẹt xe vẫn ngổn ngang tại khu vực này.

Tương tự, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dù chậm do vốn nhưng nay vẫn phải tiếp tục chờ công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật dù từ khi phê duyệt dự án đến nay đã 10 năm nhưng khâu giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể hoàn thành.

75% dự án giao thông chậm tiến độ

Ông Lương Minh Phúc - Trưởng ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị TPHCM - đưa ra số liệu đáng lo ngại về các dự án vướng mặt bằng thi công. Theo ông Phúc, trong 75 dự án đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án. Đây là tồn tại đã rất lâu và Ban Quản lý đã chọn các dự án cấp bách để báo cáo UBND TPHCM tìm cách tháo gỡ.

Ông Phúc cho rằng, có một nghịch lý là công tác đền bù kéo dài 1-2 năm nhưng thời gian thi công thì ngắn. Chẳng hạn như dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) chờ mặt bằng đến 2 năm nhưng thi công chỉ 6 tháng. “Chúng tôi kiến nghị phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và xem đây là nhiệm vụ chính trị trong công tác sắp tới để đẩy nhanh tiến độ các công trình”, ông Phúc nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu địa phương khi giải phóng mặt bằng.

Theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc SỞ GTVT TPHCM - thời gian qua công tác giải phóng mặt bằng hầu hết các dự án đều triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm. Thời gian thu hồi đất bàn giao mặt bằng để thi công kéo dài (từ 14-18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài 2-3 năm). Do đó, nhiều dự án chưa thể triển khai hoàn thành, đặc biệt TPHCM chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng cũng như các tuyến đường trục chính nội đô. Đó là nguyên nhân chính khiến tình trạng kẹt xe ở TPHCM chưa thể giải quyết.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép UBND TPHCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Cơ chế này sẽ tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng đang bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng hiện nay.

Theo đó, Chính phủ giao UBND TPHCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. UBND TPHCM sẽ quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 điều 74 của luật Đất đai 2013. “Thành phố sẽ thí điểm quy trình 2 trong 1 trong việc xác định thẩm định giá mà Chính phủ đã cho phép, quy trình này nhanh hơn trước rất nhiều. Tháng 10 này sẽ ban hành quyết định để triển khai từ năm 2021” - ông Hoan nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn