MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần phải chứng minh được tính hiệu quả kinh tế - xã hội khi xây Bảo tàng mới 1400 tỉ đồng

TPHCM xây Bảo tàng 1.400 tỉ đồng: Phải công khai minh bạch để dân giám sát

Huân Cao LDO | 30/09/2019 13:54

Trước khi xây Bảo tàng mới thay thế, TP HCM cần công khai thông tin về cơ sở vật chất và tình hình hoạt động của Bảo tàng hiện hữu. Trong đó cần có báo cáo khoa học đánh giá công trình hiện hữu có "xuống cấp" hay không, đồng thời lý giải tại sao chủ trương ban đầu là nâng cấp nhưng nay lại chuyển sang xây mới hoàn toàn?

Chủ trương ban đầu là nâng cấp và mở rộng

Trong các bảo tàng tại TPHCM hiện nay, chỉ có Bảo tàng Chiến tích chiến tranh là có nhiều du khách xếp hàng mua vé tham quan

Dự án bảo tàng TPHCM 1.400 tỉ đồng được xây bằng ngân sách, là một trong những công trình trọng điểm của ngành văn hóa được nêu trong nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố thuộc danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011-2015 của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Lao Động, từ năm 2004 TPHCM đã có chủ trương thực hiện dự án “Trùng tu tôn tạo, chỉnh trang khuôn viên sân vườn và đầu tư nâng cấp, mở rộng Bảo tàng TPHCM”. Sau nhiều lần điều chỉnh, hoàn tất các thủ tục hồ sơ và được thường trực Thành ủy, UBND TPHCM đồng ý vào năm 2015.

Tuy nhiên, hiện nay đề án lại chuyển sang xây mới hoàn toàn tại quận 9, thay vì nâng cấp mở rộng Bảo tàng hiện hữu tại quận 1 như chỉ đạo ban đầu. Theo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, Bảo tàng hiện hữu đã xuống cấp, diện tích nhỏ nên cần phải xây mới.

Thực tế Bảo tàng hiện tại có dấu hiệu nào cho thấy sự xuống cấp và hư hỏng?

Để có những thông về vấn đề "xuống cấp" này, phóng viên đã liên hệ với Sở Văn hóa - Thể Thao và Bảo tàng TP.HCM đề nghị cung cấp thông tin liên quan.

Khi liên hệ với lãnh đạo Bảo tàng TP.HCM, phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về tình hình hoạt động hiện tại của Bảo tàng; Cũng như những khó khăn về cơ sở vật chất, hiện vật trưng bày, lượng khách tham quan, sự “xuống cấp"... Nhưng lãnh đạo Bảo tàng từ chối cung cấp những thông tin này.

 Trong khi đó Bảo tàng TPHCM dù nằm ngay trung tâm nhưng có ít khách tham quan

Phải công khai, minh bạch và có đánh giá khoa học

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Hội tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý cho rằng, việc TPHCM xây Bảo tàng 1.400 tỉ đồng không thuộc công trình quốc phòng - an ninh, nên phải công khai và minh bạch để người dân giám sát.

Theo ông Tống, khi TPHCM xây Bảo tàng mới, thay cho Bảo tàng cũ thì cần phải làm một nghiên cứu khoa học khả thi và nghiêm túc. Vì đây là công trình đầu tư công (không thuộc diện an ninh - quốc phòng) thì phải đặt mục tiêu đầu tiên là có nhu cầu với đời sống người dân không, có hiệu quả về kinh tế - xã hội không?.

"Về nhu cầu thì phải thống kê xem Bảo tàng thành phố hiện này có bao nhiêu người vào xem mỗi năm? Nói một cách dễ hiểu là bảo tàng có quá tải về lượng khách tham quan không, diện tích đó có quá tải để trưng bày hiện vật không." ông Tống đặt vấn đề.

Theo ông Tống, nếu đánh giá nhu cầu không đáng kể, thì nên cải tạo, nâng cấp và mở rộng năng lực khai thác của Bảo tàng hiện hữu thay vì xây mới.

"Diện tích mặt bằng dôi dư hiện nay chưa dùng hết hoặc đang cho thuê kinh doanh, thì phải lấy lại sử dụng cho đúng chức năng. Chỉ xây mới khi có báo cáo khoa học chứng minh được tính hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội." - ông Tống nói.

 Cơ sở vật chất Bảo tàng còn tốt, không thấy dấu hiệu của sự xuống cấp

Xây dựng nhiều phương án để có sự lựa chọn

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cung cấp thêm thông tin, đơn vị tham mưu xây Bảo tàng cần phải làm cả 2 phương án là xây mới và mở rộng để lãnh đạo TP.HCM có sự lựa chọn nên duyệt phương án nào.

Theo đó, phải có sự so sánh một cách khoa học về việc nâng cấp, cải tạo bảo tàng hiện hữu ở quận 1 với việc xây mới Bảo tàng ở quận 9. Việc so sánh này là nhiều mặt, trong đó có nhu cầu khách đến xem ở quận 9 với quận 1, nếu thu phí thì địa điểm nào có khả năng thu được nhiều phí hơn,... 

"Nếu chọn phương án xây Bảo tàng mới, rồi sử dụng cả Bảo tàng cũ như là một chi nhánh, thì phải tính đến hiệu quả hoạt động và kinh phí để duy trì cho cả 2. Khi lãnh đạo thành phố nhận được nhiều phương án như trên, thì mới có sự lựa chọn duyệt đề án nào có tính khả thi, có nhu cầu, ít tốn kém ngân sách và đem lại hiệu quả xã hội nhất." - ông Tống nói.

Bảo tàng Thành phố không phải là Bảo tàng Quốc gia thì có cần thiết xây thêm các chi nhánh?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn