MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM sẽ xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh giúp dự báo kẹt xe để người dân tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc. Ảnh: Minh Quân

TPHCM xây dựng đô thị thông minh như thế nào?

MINH QUÂN LDO | 26/11/2017 20:20
Đô thị thông minh giúp người dân được sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt, biết trước ngập nước, kẹt xe...

Chiều ngày 26.11, TPHCM công bố Đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến – Phó Trưởng ban điều hành đề án, sau hơn 1 năm chuẩn bị, đến nay đề án chính thức thực hiện, đầu tiên sẽ thí điểm tại quận 1 và quận 12.

Thành phố thông minh hướng đến việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân. 

Ví dụ người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; trường học chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp...

Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp.

Thành phố thông minh cũng giúp chính quyền sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, về nguyên tắc của đô thị thông minh là phải có tính dự báo; tạo điều kiện cho con người sống ở hai không gian (không gian thực và không gian trên mạng); phải giúp cho mỗi người dân, mỗi cơ quan tổ chức là một chủ thể sáng tạo và góp ý sáng kiến cho TP; có đô thị thông minh thì hoạt động của chính quyền phải được giám sát có hiệu quả.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong năm 2018 phải triển khai 5 công cụ dùng chung gồm xây dựng trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm mô phỏng dự báo; trung tâm về an toàn mạng và điều hành; quy hoạch hạ tầng chung… Đồng thời triển khai một số nhánh như giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh; huy động vai trò của người dân tức là tạo thiết bị phần mềm gắn điện thoại di động để người dân góp ý quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong dài hạn, TP xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo; trong đó TP đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu. Để thực hiện được điều này, trước mắt TP phải trở thành đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Thành Phong cho hay, sau hội nghị, Ban Điều hành Đề án sẽ cụ thể hóa kế hoạch từng năm để tổ chức thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, xã hội nắm rõ mục đích, ý nghĩa của đề án; đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp vi mạch; tăng cường đầu tư và phát triển thị trường cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn