MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Minh Quân

TPHCM xin Chính phủ cho trạm thu phí Nguyễn Văn Linh chỉ thu thủ công

MINH QUÂN LDO | 27/05/2022 19:07

TPHCM - Do trạm thu phí Nguyễn Văn Linh có thời gian thu phí còn lại ngắn, trong khi đầu tư hệ thống thu phí không dừng (ETC) chi phí cao nên TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép nhà đầu tư không nâng cấp hệ thống thu phí ETC và chỉ thu phí thủ công.

Ngày 27.5, UBND TPHCM gửi văn bản khẩn tới Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tiến độ triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí trên địa bàn.

Hiện TPHCM có 5 trạm thu phí, bao gồm An Sương - An Lạc, trạm thu phí cầu Phú Mỹ, trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, trạm thu phí BOT Phú Hữu (chưa tổ chức thu phí).

Đối với trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) có 20 làn thu phí. Theo giấy phép đầu tư, trạm có thời gian thu phí là 30 năm, kết thúc vào tháng 4.2028 (không thu phí ô tô dưới 9 chỗ). Mục đích thu phí để duy tu, bảo trì tuyến đường Nguyễn Văn Linh; nếu sử dụng không hết doanh thu từ thu phí, phần dư để lại doanh nghiệp 30% và TPHCM 70%.

Do thời gian thu phí còn lại ngắn, trong khi đầu tư hệ thống ETC chi phí cao và giá thu phí thấp nên UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép nhà đầu tư không lắp đặt trạm thu phí ETC và chỉ thu phí thủ công đến khi kết thúc thời gian thu phí.

Tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (Thành phố Thủ Đức) hiện có 8/18 làn thu phí ETC. 8 làn thu phí ETC này đáp ứng năng lực lưu thông với 362.880 lượt xe/ngày, trong khi lưu lượng xe thực tế chỉ 24.000 lượt xe/ngày, chỉ đạt 6,6% công suất. Trong khi đó, thời gian thu phí chỉ còn khoảng 4 năm, kết thúc vào tháng 4.2026.

Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép nhà đầu tư tiếp tục khai thác 8 làn thu phí ETC hiện hữu đến khi kết thúc thời gian thu phí, không nâng cấp hệ thống thu phí ETC 8 làn còn lại và nhà đầu tư sẽ đóng không khai thác các làn này.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), nhà đầu tư đã nâng cấp thu phí ETC là 21/25 lần (đạt 84%). Tuy nhiên, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC qua trạm trên tổng số phương tiện chỉ đạt 16%.

Tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội trên tuyến Xa lộ Hà Nội (Thành phố Thủ Đức), nhà đầu tư đã nâng cấp thu phí ETC là 8/16 lần thu phí (đạt 50%). Số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC qua trạm trên tổng số lượt phương tiện đạt tỉ lệ trung bình 34%.

Đối với 2 trạm thu phí này, UBND TPHCM đang phối hợp nhà đầu tư triển khai các thủ tục để nâng cấp hệ thống thu phí ETC các còn lại, sẽ hoàn thành trong tháng 7 năm nay.

Riêng trạm thu phí BOT Phú Hữu (Thành phố Thủ Đức) có 6 làn thu phí nhưng chưa tổ chức thu. Nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục liên quan triển khai đầu tư hệ thống thu phí ETC để đưa trạm thu phí vào hoạt động trước khi bắt đầu thu phí.

Trước đó, tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí không dừng ngày 17.5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo sau ngày 31.7, nếu dự án BOT chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải xả trạm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn