MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống đăng ký tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Ảnh: NGUYỄN LY

TP.Hồ Chí Minh: Bệnh viện khó đủ đường khi phát triển y tế thông minh

Nguyễn Ly LDO | 28/10/2022 06:02

Đề án phát triển y tế thông minh của TPHCM thực hiện đến năm 2030 có nhiều nguồn kinh phí, trong đó nguồn nhà nước là 1.000 tỉ đồng. Giai đoạn năm 2020-2023, kế hoạch tổng kinh phí chi dự kiến gần 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn gặp khó trong quá trình phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) bệnh viện. 

Phát triển cầm chừng vì khó tuyển được nhân lực 

Trong buổi giám sát thực hiện đề án y tế thông minh của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM ngày 25.10, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đã số hóa hầu hết chứng từ như giấy tờ chuyên môn, quản lý giám sát, quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân. Hiện có 4 khoa đã áp dụng thí điểm bệnh án điện tử, dự kiến 2 năm tới sẽ triển khai toàn bệnh viện. 

Tuy nhiên, cũng giống như các cơ sở y tế khác, Bệnh viện Nhi đồng 1 gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự công nghệ thông tin và kinh phí triển khai. Phòng Công nghệ thông tin hiện có 12 người, quản lý 700 máy tính. Đây là một thách thức khi thực hiện đề án.

Lý giải về việc phát triển CNTT từ năm 1994 đến nay, nhân lực CNTT vẫn mỏng, ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin - cho biết: “Hiện nay mặt bằng chung sinh viên ra trường được đào tạo chuyên sâu mức lương cũng phải 500USD trở lên (khoảng 12 triệu đồng). Thế nhưng, các bệnh viện công hiện nay đều phải lĩnh lương theo hệ số, nên việc trả mức lương cao như vậy không hợp lý.

Điều này dẫn đến tình trạng các bệnh viện muốn có một đội ngũ xây dựng chuyên môn cao rất khó khăn. Vì lẽ đó, bệnh viện xây dựng nhân sự công nghệ theo hướng cốt lõi để theo sát về chuyên môn, còn lại phối hợp với các doanh nghiệp bên ngoài có ưu thế về cập nhật công nghệ mới”. 

Còn tại Bệnh viện Hùng Vương TPHCM, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, bệnh viện đã đạt 6/7 tiêu chí ứng dụng CNTT theo Thông tư 54/2017 của Bộ Y tế. Dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và wifi cho bệnh viện vẫn chưa hoàn thành. Đây là trăn trở suốt 3 năm qua nhưng chưa giải quyết được.

“Nguyên nhân là khi thành lập dự án gửi qua các cơ quan liên quan, đến khi nhận được quyết định cho phép thì máy móc lỗi thời. CNTT là ngành phát triển nhanh, nếu đi chậm thì kỹ thuật sẽ trở nên lạc hậu, tiếp tục làm thì lại lãng phí. Không có hạ tầng CNTT thì không thể làm gì được. Đây là điều quan trọng nhưng chúng tôi đang bị bế tắc” - bác sĩ Tuyết nói.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng khó tìm được nhân viên CNTT năng lực cao do mức lương chi trả cho lực lượng này thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

“Đăng tuyển quanh năm suốt tháng mà vẫn không tuyển được. Dù có người nộp đơn nhưng lại không phù hợp với nhu cầu của bệnh viện. Hiện chưa có cơ chế rộng mở nên nhiều khi làm rất hồi hộp vì không biết trả lương như thế nào, trả như vậy có đúng quy định của nhà nước hay không…” - bác sĩ Tuyết nói.

Vì vậy, Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị cần có cơ chế thanh toán, hướng dẫn chi tiết về lương của nhân viên CNTT để các bệnh viện mạnh dạn tuyển dụng.

Bệnh viện loay hoay vì không có nguồn kinh phí phát triển CNTT

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh - Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM, khi ứng dụng y tế thông minh vào bệnh viện sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc của nhân viên, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm được kinh phí. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các hệ thống y tế thông minh rất tốn kém, đến nay bệnh viện vẫn chưa biết sẽ lấy kinh phí từ nguồn nào để đầu tư và sẽ thu lại từ đâu?

TPHCM đã cho phép có thể xã hội hóa vay vốn kích cầu đầu tư cho hệ thống CNTT nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thu tiền. Đến nay, bệnh án điện tử chỉ mới áp dụng thí điểm một số nơi trong bệnh viện.

Dự kiến năm 2023, tất cả các bệnh viện hạng một sẽ phải hoàn thành bệnh án điện tử nhưng hiện kinh phí để đầu tư cho công nghệ thông tin rất tốn kém. Nếu muốn hoàn thành phải tốn ít nhất là vài chục tỉ đồng, mà bệnh viện thì không có tiền.

Đồng tình với những khó khăn trên, Viện Y dược học dân tộc TPHCM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đề án y tế thông minh, chưa đồng bộ phần mềm.

“Điển hình như căn cước công dân có tích hợp bảo hiểm y tế nhưng khi bệnh nhân đến quét lại rất lệch. Viện đang cố gắng xây dựng bệnh án điện tử nhưng phải chạy song song với bệnh án giấy”, đại diện Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho hay. Khi triển khai y tế thông minh, điều lo lắng nhất là hệ thống bảo mật. Viện Y dược học dân tộc TPHCM đang thực hiện đăng ký gói máy chủ để lưu giữ thông tin bệnh nhân. 

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho rằng, trước đây những vấn đề này đã từng kiến nghị với Bộ Y tế tại hội nghị xây dựng chung CNTT cho các bệnh viện. Tuy nhiên, cái này rất khó, đề nghị Bộ Y tế và TPHCM cho những khung xây dựng chuẩn để xây dựng y tế thông minh.

“Ví dụ: Chuẩn bệnh án điện tử là có những yêu cầu gì; chuẩn về công nghệ có những gì và mỗi bệnh viện đều có nhiều hình thức khác nhau để triển khai. Thậm chí, bệnh viện có thể đấu thầu với các công ty CNTT bên ngoài miễn làm sao đảm bảo quy định Bộ Y tế, tránh tình trạng chúng ta cho ra một bệnh án chung sau đó tất cả các bệnh viện cùng áp dụng thì rất khó, vì mỗi một cơ sở đều có những mặt bệnh, chuyên ngành khác nhau” - bác sĩ Thanh Hùng dẫn chứng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn