MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Thủ Thiêm 2 đang vướng bàn giao mặt bằng nên chưa nối được nhịp cầu cuối cùng từ Thành phố Thủ Đức sang quận 1. Ảnh: Minh Quân

TP.Hồ Chí Minh: Mỏi mòn chờ cầu kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm

MINH QUÂN LDO | 06/03/2021 10:58
Hiện nay xe từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) qua lại trung tâm TPHCM chủ yếu qua hầm vượt sông Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm 1 đang quá tải vì lượng xe cộ ngày càng đông. Trong khi đó, các dự án cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4 và cầu đi bộ qua sông Sài Gòn kỳ vọng giúp liên kết Khu đô thị Thủ Thiêm với các khu vực khác lại triển khai quá chậm vì vướng mặt bằng hoặc thiếu vốn.

Xây cầu quá chậm

Theo quy hoạch, sẽ có 5 cây cầu và một hầm chui nối các khu vực khác của TPHCM với Khu đô thị Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hiện chỉ có cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn (nối quận 2 cũ nay là Thành phố Thủ Đức với quận 1) hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đầu năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2 với tổng số vốn gần 3.100 tỉ đồng được khởi công, nhà đầu tư hứa hẹn hoàn thành công trình trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay cầu Thủ Thiêm 2 mới thi công đạt 70% khối lượng và đang phải tạm dừng thi công do thiếu mặt bằng.

Hiện công trình còn bị vướng đền bù giải tỏa 11.114m2 đất của nhà máy Ba Son, 1.607m2 đất của Bộ Tư lệnh Hải Quân... Cầu Thủ Thiêm 2 được đánh giá có vai trò quan trọng với giao thông TPHCM. Ngoài việc nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố, dự án còn giúp giảm ùn tắc khu vực nút giao đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh và Lê Thánh Tôn.

Còn cầu Thủ Thiêm 3 (nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua quận 4) đang trong quá trình nghiên cứu lập đề xuất đầu tư. Vị trí cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu từ đường Tôn Đản, băng qua đường Nguyễn Tất Thành, khu đất bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn) vượt sông Sài Gòn để nối khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cách đây 5 năm, UBND TPHCM giao 2 công ty nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, theo quy định mới, dự án này sẽ tổ chức đấu thầu nên chưa thể xác định thời gian thi công và hoàn thành công trình.

Cầu Thủ Thiêm 4 (nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua quận 7) có điểm đầu là khu vực cảng Tân Thuận Đông (quận 7), vượt sông Sài Gòn qua (dài 2.160m) vẫn còn trong giai đoạn đề xuất đầu tư. Ban đầu dự án được đề xuất đầu tư theo hợp đồng BT nhưng hiện nay hình thức đầu tư BT đã không còn trong Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Do đó, Sở GTVT TPHCM đang đề xuất lập chủ trương đầu tư theo hình thức khác. Trên cơ sở đề xuất, dự kiến cầu được đầu tư từ vốn ngân sách kết hợp đầu tư theo hình thức BOT. Dự kiến tổng mức đầu tư công trình trên 5.200 tỉ đồng.

Ngoài ba dự án trên còn có dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn (kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 1).

Hiện, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp các bên liên quan hoàn chỉnh phương án thiết kế.

Phải xây thêm cầu mới đáp ứng kịp nhu cầu giao thông

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM, vấn đề mà khu Đông TPHCM nói chung và Khu đô thị Thủ Thiêm nói riêng đang gặp phải là thiếu hệ thống cầu trầm trọng. Ông cho rằng, chính vì thiếu cầu nên người dân buộc phải đi qua hầm vượt sông Sài Gòn. Khi hầm xảy ra sự cố không lưu thông được như hồi tháng 10.2018 thì xe cộ phải đi vòng, dẫn đến tình trạng giao thông ùn ứ.

“Để Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển thì việc hoàn thiện hệ thống cầu cho các phương tiện lưu thông là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM đang rất yếu, cầu Thủ Thiêm 2 quá chậm, các cây cầu còn lại cũng chưa khởi công. Trong khi TPHCM phát triển đến đâu thì cần phải xây cầu đến đó chứ không chỉ dựa vào mỗi một cái hầm chui" - ông Hòa nêu quan điểm.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, đánh giá từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào trung tâm TPHCM bằng hầm vượt sông Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm 1 thì chưa đủ, hầm này phục vụ chủ yếu cho đại lộ Đông Tây. Do đó, những cây cầu nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua khu trung tâm hiện hữu, đặc biệt là cầu Thủ Thiêm 2, 3 nên đặt ưu tiên hàng đầu. Theo ông Sơn, giá trị của Khu đô thị mới Thủ Thiêm được khẳng định khi được kết nối thuận tiện với trung tâm hiện hữu và khu vực lân cận. Trong đó, giao thông khu đô thị này càng hoàn thiện thì càng thu hút đầu tư.

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM thừa nhận, hiện giao thông kết nối giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm và khu Nam TPHCM còn hạn chế. Vì vậy, việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống cầu kết nối giao thông Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm hiện hữu và khu Nam nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm cần được xem xét ưu tiên. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 4 là một trong 55 dự án trọng điểm được Sở GTVT mới đây đề xuất UBND thành phố làm các công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2021.

Bên cạnh đó, khi 4 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm hoàn thành sẽ góp phần kết nối giao thông từ phía Nam sang phía Đông. Đặc biệt, khi tuyến vành đai 2 hoàn thành còn kết nối giao thông từ quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh sang Thành phố Thủ Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn