MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các Ban Quản lý dự án tại địa phương làm cồng kềnh bộ máy, gây tốn kém cho ngân sách cần phải sắp xếp, dẹp bỏ. Minh họa của ĐAN

TP.Hồ Chí Minh: Sắp xếp phải tinh gọn, hiệu quả

MINH QUÂN LDO | 16/08/2018 07:24

Theo dự thảo Ðề án “Sắp xếp lại các Ban Quản lý các dự án của thành phố, quận - huyện, Ban Quản lý đầu tư các khu đô thị, Ban Quản lý đầu tư các dự án ODA” UBND TPHCM đang xây dựng đề án này. Theo đó, sắp tới sẽ có hàng loạt Ban quản lý dự án bị sáp nhập hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ.

Chồng chéo, dàn trải

TPHCM hiện có 44 Ban QLDA đầu tư xây dựng. Trong đó, 9 ban thuộc UBND thành phố quản lý; 11 ban thuộc 8 sở, ngành, đơn vị; Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình 24 quận - huyện tại 24 quận - huyện là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ; một số sở - ngành không có Ban Quản lý đầu tư - xây dựng nhưng có thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý dự án đầu tư, xây dựng (Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 thuộc Sở GTVT)...

Với cơ cấu tổ chức trên, bộ máy Ban QLDA của TPHCM hiện có 43 trưởng ban, 92 phó ban, 213/255 biên chế (cơ quan hành chính), 672/696 người (đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ) và 238 người (đơn vị sự nghiệp tự chủ, không giao số người làm việc). Các ban QLDA đang quản lý hơn 3.000 dự án với tổng số tiền hơn 323.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của UBND TPHCM, dù đã đạt được một số kết quả tích cực, mô hình tổ chức nói trên làm nguồn vốn đầu tư phân tán, dàn trải. Nhiều dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn phải hoãn, giãn tiến độ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, công tác thanh quyết toán kéo dài, công trình triển khai dở dang chậm được đưa vào sử dụng, hiệu quả đầu tư thấp.

Các ban QLDA đầu tư - xây dựng khu đô thị mới đang thực hiện theo mô hình cơ quan hành chính là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Vì vậy, TPHCM sẽ hình thành các ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực đủ điều kiện và năng lực hoạt động giúp UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, quản lý có hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, việc sắp xếp các Ban QLDA phải đảm bảo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Hàng loạt Ban quản lý dự án tại TPHCM sẽ bị sát nhập hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Ảnh: VGP

“Tước” quyền trung tâm chống ngập

Theo dự thảo đề án, TPHCM sẽ thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (trực thuộc UBND TP) trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và sáp nhập vào Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng công trình Nâng cấp đô thị do UBND thành phố trực tiếp quản lý.

TPHCM sẽ thành lập Ban QLDA Đầu tư - Xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các khu giao thông đô thị, khu quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở GTVT. Ngoài ra, sáp nhập Ban QLDA nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) vào Ban Giao thông đô thị. Sở GTVT được ủy quyền quản lý 2 ban này.

Đáng chú ý, UBND TPHCM sẽ giao Sở GTVT thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.Đồng thời, tách chức năng quản lý dự án của trung tâm này và hợp nhất với Ban Vệ sinh môi trường thành Ban QLDA đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và ủy quyền, giao Sở GTVT quản lý.

TPHCM sẽ sáp nhập Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Nam TP, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc TP và chuyển từ mô hình cơ quan hành chính sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập để thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị trực thuộc UBND TP. UBND TPHCM cũng thống nhất giao Chủ tịch UBND quận/huyện thành lập Ban QLDA khu vực quận/huyện trên cơ sở kiện toàn Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng công trình thuộc quận, huyện như hiện nay.

* Với mô hình dự kiến sắp xếp như trên, không tính các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư, xây dựng, thành phố giảm 11 đầu mối (2 ban thuộc UBND thành phố, 9 ban thuộc sở - ngành). Đồng thời, so với biên chế, số lượng người làm việc được giao năm 2017, việc sắp xếp giảm 255 biên chế hành chính và có khả năng giảm số lượng người làm việc là 133 người.

* Theo TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban QLDA sau khi sáp nhập thì cần áp dụng công nghệ trong quản trị nhân sự, quản lý công việc, giảm số lượng trung gian; thực hiện chuyên môn hóa các bộ phận công việc và huy động mọi người làm việc theo nhóm để tăng hiệu quả, hiệu suất lao động. Khi đã có quy trình chuẩn trong điều hành, quản trị và sắp xếp công việc của các ban QLDA thì chắc chắn sẽ xác định được các vị trí không cần thiết, không phù hợp, từ đó sẽ có cơ sở tinh giản số lượng cán bộ, người lao động, làm gọn nhẹ bộ máy quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn