MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp cho người bệnh tự mua thuốc. Ảnh: Thuỳ Linh

Trả lại chi phí cho người dân phải tự mua thuốc, cần đơn giản thủ tục để không gây bất tiện

Hà Quyên LDO | 14/12/2023 18:14

Tối đa 40 ngày, người dân có thể được nhận tiền theo hóa đơn tự mua thuốc ngoài viện từ bảo hiểm y tế.

Người dân được hưởng lợi

Thông tin bảo hiểm y tế sẽ chi trả trực tiếp chi phí cho đơn thuốc mua ngoài đang được người dân quan tâm. Bởi nếu thực hiện được điều này, người dân sẽ đỡ chi phí chữa bệnh. Tình trạng thiếu thuốc, buộc người dân phải tìm mua bên ngoài đã kéo dài song chưa được giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Minh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) bị suy tuyến thượng thận phải điều trị bằng Hydrocortisone 10mg. Đây là sản phẩm nằm trong Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, bà phải tự mua thuốc bên ngoài do Bệnh viện Nội tiết Trung ương không còn thuốc để cấp. Khi mua bên ngoài, bà phải tự bỏ tiền, không được bảo hiểm y tế thanh toán.

Tương tự, ông Phan Trọng Thành (ở Hà Đông, Hà Nội) bị suy gan cấp, được chỉ định dùng Albumin – là một dung dịch truyền tĩnh mạch. Song, thời điểm đó, Bệnh viện Thanh Nhàn, nơi ông điều trị không có thuốc này.

Trả lời Báo Lao Động sáng 14.12, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Thị Lan Hương cho hay, nhiều thời điểm, bệnh viện cũng có tình trạng thiếu thuốc. Đơn cử như thuốc Albumin rất cần thiết với các bệnh nhân mắc bệnh lý thận, gan, suy dinh dưỡng,.. ở mức độ nặng. Song nhiều thời điểm, bệnh viện không có thuốc này do không trúng thầu, gây thiệt thòi cho bệnh nhân.

Do đó, với dự thảo của Bộ Y tế mới đây, bà Hương cho rằng cần ủng hộ. Tuy nhiên, thuốc mua ngoài phải đảm bảo 2 yếu tố: Đảm bảo về mặt chất lượng, an toàn cho người dân; và phải được quản lý về giá để tránh vỡ quỹ BHYT.

“Nếu bên ngoài đúng thuốc cần để điều trị cho bệnh nhân mua thì không những người bệnh có lợi, hiệu quả điều trị bệnh của bệnh viện cũng sẽ tốt hơn, uy tín tăng lên” – bà Hương cho hay.

Bà Vũ Nữ Anh, Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Hà Quyên

Quy trình để được thanh toán

Sắp tới, khi dự thảo thông tư của Bộ Y tế được phê duyệt, những trường hợp như 2 bệnh nhân kể trên hoặc là được thanh toán khi tự mua thuốc bên ngoài, giảm gánh nặng tài chính, hoặc là sẽ được hướng dẫn tìm tới nơi có thuốc để mua phục vụ điều trị. Đây là tin vui đối với bệnh nhân.

Tuy nhiên, người dân cũng băn khoăn về thủ tục để có thể được bảo hiểm y tế hoàn tiền.

Trả lời Báo Lao Động về điều này, thạc sĩ Vũ Nữ Anh - Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế - cho biết, quy trình để được bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp đã được quy định cụ thể trong Nghị định 146 (năm 2018) của Chính phủ. Ngoài ra, theo dự thảo, sau khi mua thuốc hoặc vật tư ngoài viện tại các cơ sở, để được bảo hiểm thanh toán, người dân cần xuất trình các giấy tờ liên quan.

Cụ thể, người bệnh hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật của người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội các giấy tờ gồm: Đơn thuốc, vật tư y tế được chỉ định bởi cán bộ y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế hợp pháp, hợp lệ để làm căn cứ thanh toán.

Người dân trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú. Cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm chi trả thanh toán trực tiếp cho người bệnh. Những hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn bổ sung đầy đủ.

Bà Nữ Anh cho biết, theo quy định trong Nghị định 146, thời gian tối đa người bệnh có thể nhận được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế khi nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp là 40 ngày.

Trước nghi ngại về quy trình, thủ tục hành chính gây bất tiện cho người dân, đại diện Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn trong dự thảo lần sau. Hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp các văn bản điện tử để đơn giản hóa quy trình cho người dân khi làm hồ sơ thanh toán trực tiếp với bảo hiểm y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn