MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Trần Thị Thảo được nhận bằng khen vì trả lại khoản tiền 500 triệu đồng do người khác chuyển khoản nhầm. Ảnh: Huyện đoàn Diễn Châu

Trả lại tiền chuyển khoản nhầm: Bình thường và bất thường

Minh Anh LDO | 13/03/2024 08:48

Trong mấy ngày liền, người dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) xôn xao câu chuyện một số người dân “được” trả tiền nhầm vào tài khoản với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngày 6.3.2024, nam sinh lớp 10 THPT Nguyễn Xuân Ôn ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu nhận được 400 triệu đồng ai đó chuyển vào tài khoản. Nhận định người chuyển khoản nhầm gửi thêm phí để chuyển trả lại cùng số điện thoại để liên lạc, chị Điệp và Phát đã gọi điện xác nhận, đồng thời động viên người này yên tâm, sáng mai sẽ ra ngân hàng kiểm tra rồi chuyển trả.

Người chuyển khoản nhầm là một người dân trú tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Sau khi nhận lại tiền, chị Hòa ngỏ ý tặng Phát 5 triệu đồng nhưng em từ chối.

Ngày 8.3.2024, cũng tại Diễn Châu, cô giáo Trần Thị Thảo, đến ngân hàng trình báo sau khi thấy tài khoản nhận 500 triệu đồng từ một người không quen biết. Sáng hôm sau cô Thảo đến phòng giao dịch ngân hàng ở huyện Diễn Châu nhờ nhân viên xác minh, tìm thông tin của người chuyển khoản. Phía ngân hàng xác định chủ tài khoản đã chuyển tiền là một người cũng trú huyện Diễn Châu. Thảo liên lạc với người này, được biết đó là kế toán của một doanh nghiệp, trong lúc chuyển 500 triệu đồng cho đối tác đã nhập nhầm số tài khoản. Trước sự chứng kiến của đại diện ngân hàng và các cơ quan chức năng, chị Thảo đã chuyển trả lại số tiền trên.

Trong giao dịch trong môi trường điện tử hiện nay, việc chuyển khoản nhầm không hiếm nhưng việc chuyển nhầm số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cũng phải nói đến sơ suất của người chuyển khoản không kiểm tra kỹ số tài khoản và tên người nhận.

Với em Phát và cô Thảo, hành động tìm và trả lại khoản tiền đã nhận, đáng biểu dương bởi lòng trung thực. Bài học ở đây là không phải tiền mình làm ra, cũng không phải “lộc trời” rơi xuống thì việc, không nhận trả lại là chuyện bình thường. Bởi lẽ pháp luật quy định rất rõ nếu cố tình không trả lại thì đây là hành vi chiếm hữu tài sản người khác.

Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, đồng thời buộc khắc phục hậu quả là trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép. Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu yêu cầu được nhận lại tài sản thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Vì thế hành vi không trả lại tiền khi có người chuyển nhầm mới là bất thường. Tuy nhiên cũng lưu ý, có những đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền không lớn, nếu người nhận tự ý liên lạc hoặc làm theo hướng dẫn của phía người chuyển tiền có thể sẽ rơi vào bẫy lừa đảo. Vì thế, cần phải báo cáo cơ quan chức năng, hoặc ngân hàng để giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn