MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Trách nhiệm nhà sản xuất và "cuộc chiến” với chất thải rắn

L.A LDO | 22/11/2019 19:41
Nhà sản xuất phải có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình cho tới khi sản phẩm đã được tiêu thụ, thải bỏ trong vòng đời sản phẩm. Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong quản lý chất thải rắn tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường  và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đồng tổ chức ngày 22.11.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ việc “mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất” là “hướng tiếp cận chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng tới khi sản phẩm đã được tiêu thụ, thải bỏ trong vòng đời sản phẩm”.

Áp dụng điều này cho quản lý chất thải rắn không những giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước, chuyển một phần trách nhiệm cho các nhà sản xuất, mà còn giúp gia tăng tỷ lệ thu hồi, tái chế chất thải và giảm áp lực trong xử lý, chôn lấp chất thải rắn.

Mô hình chính sách mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR) của Hàn Quốc

Tại Việt Nam, chính sách “mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất” lần đầu tiên được quy định mang tính nguyên tắc trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và tiếp tục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ vào năm 2013 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2015. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của chính sách này hiện nay còn rất hạn chế do chưa thể hiện được tính bao trùm trong phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thiếu vắng các công cụ tài chính bền vững và các hướng dẫn thực thi cụ thể.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định:

“Hoàn thiện chính sách “mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất” là một phần quan trọng và không thể thiếu trong quá trình cải cách, đổi mới chính sách quản lý chất thải rắn và trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay. Chúng tôi đánh giá cao các đối thoại mang tính xây dựng và xem thảo luận ngày hôm nay là cơ sở cho việc hoàn thiện chính sách “mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất” toàn diện, hiệu quả, khả thi, công bằng về trách nhiệm và bền vững về tài chính. Cá nhân tôi tin rằng xây dựng, thực thi tốt chính sách này sẽ là nhân tố quan trọng, cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và PRO Việt Nam được ký kết vào tháng 9 vừa qua nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom và tái chế chất thải và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Được biết sự kiện này là một trong chuỗi các hoạt động do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhằm chuẩn bị cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường – dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 năm 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn