MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn nhân được giải cứu sau những chuỗi ngày nhận "trái đắng" của "việc nhẹ lương cao" bên kia biên giới. Ảnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La

"Trái đắng" từ cạm bẫy việc nhẹ lương cao phía bên kia biên giới

Khánh Linh - Văn Chuyên LDO | 16/08/2023 07:14

Nhẹ dạ cả tin với nhu cầu tìm kiếm việc nhẹ lương cao, những thanh thiếu niên vùng cao đang ngày càng trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ buôn người.

Quãng thời gian kinh hoàng nơi đất khách

Những năm gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, nhu cầu tìm việc nhẹ lương cao của thanh thiếu niên vùng cao, các đối tượng đã lừa đảo, lôi kéo nhiều người đi xuất cảnh trái phép ở Campuchia. Hệ quả là các em bị cưỡng bức đánh đập, bóc lột sức lao động, nếu muốn về phải chuộc tiền lớn.

Trở về nhà sau một thời gian dài bị lừa bán sang bên kia biên giới, đến nay, dù 5 tháng trôi qua, nhưng ký ức về những ngày khổ cực, bị bắt lao động nặng nhọc, bỏ đói nơi xứ người vẫn chưa thể phai trong ký ức em H.Đ.T (SN 2003, trú tại xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).

T nhớ lại: "Tháng 7.2022, tình cờ nói chuyện trên Facebook và điện thoại với đối tượng không quen biết, em được rủ sang Campuchia làm việc. Hắn hứa sang đó sẽ được làm công việc nhàn hạ, nhưng lương cao, nên em đã nghe lời.

Sau khi tin tưởng đi theo, em được đưa sang bên kia biên giới mà thậm chí còn không biết là mình đang ở đâu. Các đối tượng bắt ký hợp đồng làm việc 12 tháng. Nhưng đến khi làm việc mới thấy không như mình nghĩ, công việc nặng nhọc, lại hay bị đánh đập. Chúng bảo muốn về phải gọi người nhà mang tiền chuộc mới được về".

May mắn được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La và Tổ chức Trẻ em Rồng xanh, T. đã được giải cứu, đoàn tụ với gia đình vào đầu năm 2023.

Tương tự, L.V.L (SN 2007, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La) cũng là một trong những nạn nhân của nạn mua bán người qua biên giới.

Nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng nơi đất khách quê người, L kể: "Tháng 3.2022, hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đi làm thuê tại thành phố Bắc Ninh. Đến tháng 7, em được giới thiệu vào làm thuê tại TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập cao. Sau đó, có một người lạ mặt không biết tên đón sang Campuchia làm thuê, ký hợp đồng làm việc 9 tháng".

L. cho hay, em bị bắt lao động quần quật không kể ngày đêm cùng với những trận đánh đập.

"Họ nói muốn về nhà thì gia đình em phải gửi 5.000 USD tiền chuộc (tương đương 115 triệu đồng). Em gọi về nhà cho bố mẹ, nhưng gia đình khó khăn, không có để chuộc. Đến tháng 2 năm nay em mới được giải cứu về" - L. nói.
T. và L. chỉ là 2 trong số rất nhiều những thanh thiếu niên vùng cao, do nhẹ dạ, cả tin đã trở thành nạn nhân của việc mua bán người.

Cảnh giác với lời mời việc nhẹ lương cao

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, chỉ từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 13 đơn trình báo công dân ở tỉnh Sơn La về việc con, em của gia đình nghi bị môi giới, lừa gạt xuất cảnh trái phép sang Campuchia nhằm cưỡng bức, bóc lột sức lao động và đòi tiền chuộc.

Còn theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Sơn La, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 65 trường hợp nghi bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trong các cơ sở cờ bạc.

"Chúng chủ yếu lợi dụng các trang mạng xã hội để rủ rê, lôi kéo phụ nữ, trẻ em đi làm thuê với thu nhập cao, hoặc hứa hẹn lấy làm vợ. Chỉ cần nạn nhân gật đầu đồng ý sẽ được hướng dẫn chi tiết đường đi hoặc thuê taxi đón đi.

Mỗi người dân, nhất là phụ nữ, thanh thiếu niên vùng sâu, vùng xa, biên giới phải hết sức cảnh giác, đề phòng với những lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao, tránh để mắc vào cạm bẫy của những kẻ mua bán người" - đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Sơn La cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn