MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả thức xuyên đêm cùng bộ đội Đồn Biên phòng Yên Khương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) để kiểm soát đường mòn lối mở, nhằm chống dịch COVID-19 ở khu vực biên giới Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du

Trải lòng của phóng viên tác nghiệp trong dịch bệnh, bão lũ năm 2020

quách du LDO | 03/01/2021 19:08

Dường như thiên tai - dịch họa không nơi nào và không năm nào không có, chỉ là ít hay nhiều giữa các năm. Tuy nhiên, năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt, một năm đầy những lo lắng, tổn thương, thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 và mưa lũ tại khúc ruột miền Trung nước ta.

Dịch COVID-19 “ập tới” khi năm mới bắt đầu

Được giao bám địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tôi nhớ như in, khi thời khắc giao thừa đón mừng năm mới 2020, là lúc nhiều tỉnh thành tại miền Bắc hứng chịu những trận mưa đá, trong đó, Thanh Hóa cũng không ngoại lệ, khi nhiều ngôi nhà, hoa màu của người dân tại một số huyện miền núi tỉnh này bị thiệt hại, hư hỏng. Nhiều người cho rằng; không lẽ đây “báo hiệu” cho một năm đầy khó khó khăn, thách thức và đúng là như vậy…

Ngày Mùng 1 Tết, tôi nhận được điện thoại của tòa soạn, tại Thanh Hóa có một trường hợp nghi nhiễm COVID-19, khẩn trương xác minh và tiếp cận thông tin về trường hợp này.

Khi tiếp cận, xác nhận đầy đủ các thông tin, những nội dung đầu tiên về trường hợp bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, trú tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, Thanh Hóa) bị nhiễm COVID-19 sau khi trở về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), được gửi về tòa soạn và đăng tải đến độc giả cả nước.

Tiếp những ngày sau đó, việc cập nhật thông tin về tình trạng bệnh nhân, những trường hợp F1, F2 và cả nguy cơ lây nhiễm có liên quan đến nữ bệnh nhân này, được liên tục cập nhật trên Báo Lao Động.

Đi qua giông bão miền Trung

Dịch bệnh chưa qua, thiên tai ập tới, khi chưa đầy 1 tháng (trong tháng 10.2020), miền Trung nước ta, phải gánh chịu tất thảy 3 trận thiên tai, khiến cho “khúc ruột” của Việt Nam “đau quặn”. Trong gần 1 tháng ấy, tôi được tòa soạn, Văn phòng Bắc Trung Bộ phân công tăng cường vào các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An để đưa tin về mưa lũ.

Chuyến đi thứ nhất; đến vùng lũ Quảng Bình và nhà Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (người đã hy sinh khi băng rừng, đi cứu các công nhân bị vùi lấp ở Rào Trăng).

Tại đây, tôi mới hiểu thêm được cái tình của người dân đối với một vị tướng. Bởi khi nhắc đến Thiếu tướng Man, nhiều người dân trong khu phố họ đã bật khóc, họ khóc cho một người đã quên thân phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc. Hơn thế, họ khóc vì “tình làng nghĩa xóm”. Dĩ nhiên, khi Thiếu tướng Man gặp nạn, người dân trong phố không ai bảo ai, họ tập trung đến nhà hỏi thăm, động viên và giúp gia đình dọn dẹp.

Sau chuyến đi ấy, tôi trở về địa bàn Thanh Hóa được ít hôm, thì hay bão số 8 áp sát vùng biển miền Trung, khu vực Bắc Trung Bộ mưa như trút. Lúc này, tôi chỉ kịp hong khô vài bộ quần áo, chuẩn bị ít đồ dùng trước khi “nhận lệnh” hành quân chuyến thứ 2.

Chạm cửa ngõ TP.Hà Tĩnh, trước mặt chúng tôi là khung cảnh, nhà nhà ngập trắng, các tuyến đường trong mênh mông biển nước.

Cũng như chuyến đi thứ 2, cuộc “độc hành” lần thứ 3, tôi được xe khách đưa đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) để đón bão số 9. Điểm dừng chân trong đêm là một nhà nghỉ ven đường ở thị trấn nhỏ Phú Lộc.

Nơi đầu tiên tôi tìm tới là khu Phá Tam Giang (vùng vịnh nằm bên sườn thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc). Tất cả mưa, ngập lụt trắng trời.

Tình người trong gian khó

May mắn được là một phóng viên, tôi được đi, được trải nghiệm, được ghi nhận từ các sự kiện, được hiểu thêm nhiều khía cạnh của cuộc sống (trong đó tiêu cực có, tích cực cũng nhiều) và năm 2020 là năm vô cùng đặc biệt, nó đặc biệt, gian nan không chỉ riêng ở nước ta mà trên toàn thế giới. Dịch bệnh, thiên tai đã đưa đến những hoang mang, mất mát cho nhiều người và rồi khi trải qua, chúng ta mới thấm hơn cái “Tình người người trong gian khó”.

Những tấm lòng thơm thảo, đức hy sinh được thể hiện từ những câu chuyện của các bác sĩ căng mình nơi tuyến đầu chống dịch, đến những hình ảnh của chiến sĩ biên phòng xuyên ngày đêm “đội” mưa rừng, gió bấc, kiểm soát đường mòn lối mở; những tâm sự, lời cảm ơn của người dân, công nhân…khi họ cầm trên tay túi gạo, gói mì... Rồi thêm nữa, là những cái nắm tay, chung sức, chung lòng vượt qua giông bão, hướng về miền Trung. Điều, đó thể hiện qua những gói mì tôm, bao gạo, tiền, bánh chưng, quần áo…được những chuyến xe từ khắp mọi miền đến với miền Trung.

Giờ đây, những ngày cuối năm 2020, khi những cánh đào phai đang dần bung nở, báo hiệu sắp kết thúc một năm đầy biến động, khó khăn và mất mát. Để chào đón năm mới 2021 với nhiều hứa hẹn, kỳ vọng; một năm tràn đầy yêu thương khi đẩy lùi dịch bệnh, giảm thiểu thiên tai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn