MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người nông dân tranh thủ lúc rảnh rỗi ngồi xem tin tức bằng hệ thống wifi miễn phí đã phủ sóng khắp thôn.

Trải nghiệm một ngày ở thôn thông minh, wifi phủ sóng khắp nơi

Nhóm PV LDO | 25/10/2022 14:41

Thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội - một làng quê nông thôn yên bình như bao làng quê khác nhưng đã có sự thay da đổi thịt khi ứng dụng công nghệ vào cuộc sống hàng ngày của bà con nông dân.

Wifi phủ sóng khắp thôn

Vừa thu hoạch xong đám rau ngoài ruộng, bà Vũ Thị Tương (Thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tranh thủ mở điện thoại xem tin tức, bật một bài nhạc để nghe thư giãn. Điều đặc biệt là mọi thứ đều được sử dụng bằng hệ thống wifi miễn phí đã phủ sóng khắp thôn. “Việc lắp mạng ở thôn khiến chúng tôi rất thuận lợi, biết rất nhiều tin tức, rồi xem phim trong những thời gian đi làm mệt mỏi như thế này. Tôi vừa lướt xem facebook, xem ca nhạc để cho sảng khoái tinh thần trong những lúc mệt mỏi” – bà Tương phấn khởi cho biết.

Từ khi thực hiện mô hình thôn thông minh, thay vì bắc loa thông báo, ông Hoàng Đình Hoan – trưởng thôn Thuận Quang cũng chỉ cần một thao tác đơn giản là đăng lên trang thông tin của thôn trên nền tảng mạng xã hội zalo, việc này đã giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin một cách chính xác, thuận tiện nhất. 

“Không nhất thiết cứ phải đưa ra các cuộc họp, thôn thông minh rồi nên chúng tôi thống nhất ngồi ở nhà cũng có thể trao đổi với nhau và đưa thông báo rộng rãi đến toàn thể nhân dân. Chúng tôi cũng có hệ thống loa của thôn nhưng từ ngày làm thôn thông minh, có trang zalo của thôn, ngõ xóm nên loa đài cũng không cần dùng đến” – ông Hoàng Đình Hoan, trưởng thôn Thuận Quang cho biết.

Căn cứ quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, xã phải có ít nhất một Mô hình "Thôn thôn minh". Nhận thấy đây là một mô hình hay, Đảng uỷ - HĐND-UBND xã Dương Xá đã chỉ đạo lựa chọn thôn Thuận Quang đăng ký xây dựng mô hình thôn thông minh đầu tiên của xã đồng thời đề xuất xây dựng Làng nghề chế biến nông sản tại thôn.

Theo kết quả điều tra, rà soát, 100% các hộ gia đình trong thôn có điện thoại thông minh, trong đó có 1.116/1.653 nhân khẩu sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại, có 153 hộ đã lắp camera giám sát, 288 hộ sử dụng tài khoản các ngân hàng, 325 hộ đã lắp mạng Internet và 227 hộ đã sử dụng các tiện ích của ví điện tử để thanh toán, giao dịch. 

Từ 5.2022, thôn Thuận Quang đã huy động được nguồn vốn xã hội hoá để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí phủ sóng khắp toàn thôn, cùng với đó lắp 16 camera an ninh ở khu vực công cộng và tuyến đường trục chính. Những việc làm này được 100% hộ dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng và cùng nhau xây dựng. Ông Hoàng Huy Tuấn – một người dân trong thôn cho hay, lợi ích là rất rõ ràng, toàn dân có thể cập nhật được mà còn giảm thiểu chi phí. “Tôi nạp 200 nghìn tiền điện thoại mà 3 tháng nay vẫn còn tiền” – ông Tuấn vui vẻ cho biết.

Cũng nhờ việc lắp đặt hệ thống camera an ninh, những người công nhân vệ sinh môi trường cũng đã đỡ vất vả hơn do không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, người dân có ý thức hơn khiến công nhân cũng nhẹ nhàng hơn.

Đây được xem là mô hình thôn thông minh đầu tiên của Hà Nội. 

Ứng dụng 4.0 vào sản xuất kinh doanh

Bên cạnh đó, người dân tại thôn cũng đang áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quảng bá các đặc sản thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, góp phần tăng giá trị nông sản, mở rộng giao dịch trên Internet. Bà Dương Thị Phương – Chủ cơ sở sản xuất hành khô tại thôn Thuận Quang vừa làm xong mẻ hành và đang đóng gói thành phẩm. Xong xuôi, bà chụp ảnh các sản phẩm hành và đăng tải lên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. “Từ đó đến nay chúng tôi bán đắt hàng hơn so với trước kia. Mọi ứng dụng của thôn thông minh này khiến chúng tôi thuận lợi và cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển” – bà Phương chia sẻ.

Trong thôn hiện có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP gồm hành phi, khoai tây chiên, hành sấy, tỏi sấy các sản phẩm đều được gắn mã vạch để truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu, bán hàng trên các trang thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho hay, trong thời gian tới, xã tiếp tục hoàn thiện, phát triển các nội dung thôn thông minh tại thôn Thuận Quang, sau khi hoàn thành các tiêu chí của Thuận Quang, xã sẽ tiếp tục mở rộng đến các thôn khác trên địa bàn.

Với phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mới như hiện nay, mô hình thôn thông minh như thôn Thuận Quang chính là hạt nhân để mở rộng mô hình nông thôn hiện đại, góp phần tạo thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn