MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày đầu năm 2017, trạm thu phí BOT Thanh Nê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã bị cánh tài xế phản đối gay gắt. Ảnh tư liệu: CTV

Trạm BOT gây tranh cãi ở Thái Bình: "Miễn giảm phí cũng không thể vui vẻ"

TRUNG DU LDO | 23/08/2022 18:28
Thái Bình - Nhiều người dân, tài xế ở huyện Tiền Hải và Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) cho biết, dù thuộc đối tượng được miễn giảm, không mất phí khi đi qua trạm thu phí Km 13 + 250 đường 39B (thường gọi BOT Thanh Nê - PV) thì bản thân họ cũng không vui vẻ gì, không hề mong muốn có sự tồn tại của trạm thu phí tai tiếng này.

Thu phí của người này, không thu phí của người khác là vô lý

Liên quan đến những tranh cãi, lùm xùm chưa có hồi kết tại trạm thu phí BOT Thanh Nê tại Km 13 + 250 đường 39B cũ (đường tỉnh ĐT.458, đặt tại xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), theo ghi nhận của PV Lao Động, từ chiều ngày 18.8 đến nay, tình hình giao thông trật tự tại đây cơ bản đã yên ắng, ổn định trở lại như trước thời điểm ngày 15.8 trở về trước.

Theo đó, các phương tiện lưu thông qua trạm nếu mang biển kiểm soát tỉnh Thái Bình hầu hết đều được nhân viên trạm thu phí tự động nhấc barie cho xe qua, dù không mua vé, trả phí.

Tình hình giao thông, trật tự tại trạm đã cơ bản tạm ổn định trở lại. Ảnh: T.D

Nếu xe mang biển kiểm soát các tỉnh khác vẫn bị nhân viên yêu cầu mua vé, trả phí. Nhiều chủ phương tiện không biết hoặc không muốn tranh cãi đã rút ví, đưa tiền mua vé. Tuy nhiên, nếu chủ các phương tiện này không chấp nhận yêu cầu, sau đó có nhiều phương tiện khác đi đến dồn lại phía sau, bấm còi liên tục thì nhân viên lại nhấc barie lên cho qua cả loạt.

"Đây có thể nói là kiểu thu phí lạ đời nhất mà tôi từng gặp. Ai không biết thì mất tiền. Ai biết và làm căng lên thì lại không mất tiền. Không biết đây là trạm thu phí hay trạm từ thiện, tùy tâm người lái xe nữa", anh Vũ Văn Đam (trú phường Phúc Khánh, TP.Thái Bình) - lắc đầu ngán ngẩm.

Được biết, trước khi áp dụng các biện pháp siết chặt, tăng cường chống thất thu phí tại trạm BOT Thanh Nê, doanh nghiệp dự án đại diện nhà đầu tư là Công ty CP Tasco Nam Thái đã gửi thông báo đến 2 huyện Tiền Hải, Kiến Xương và từng xã ở 2 huyện này; các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể đóng trên địa bàn 2 huyện về việc đề nghị các chủ phương tiện có xe lưu thông qua trạm bổ sung, cập nhật hồ sơ, giấy tờ có liên quan để đăng ký được miễn giảm, lưu vào hệ thống nhận diện tại trạm.

Anh Bùi Mạnh Hùng (trú xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương) cho biết, bản thân anh biết về thông báo trên nhưng nhất định không thực hiện, không làm theo.

"Chúng tôi không cần Tasco ban ơn như vậy. Vì đường này chúng tôi đi từ thuở xưa, đường do Nhà nước làm, dân đóng thuế, đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm. Chúng tôi không việc gì phải đi xin xỏ ai để được miễn giảm làm gì cả. Mọi người dân đều bình đẳng như nhau, nếu đúng là họ làm đường mới, rộng đẹp cho dân đi sau đó đặt trạm thu phí lấy lại vốn, chúng tôi đồng ý nộp tiền mua vé ngay. Đằng này lại chuẩn bị một loạt giấy tờ để đến xin được miễn giảm thứ vốn dĩ mình vẫn được hưởng là vô lý", anh Hùng nêu quan điểm.

Tháng 7.2022, Công ty CP Tasco Nam Thái gửi thông báo đến từng xã ở 2 huyện Tiền Hải, Kiến Xương để hướng dẫn đăng ký, cập nhật đối tượng được ưu tiên miễn giảm phí khi qua BOT Thanh Nê. Ảnh hồ sơ.
Trước đó, hồi tháng 2.2017 (tức 5 năm trước đây), doanh nghiệp này cũng đã gửi thông báo tương tự. Ảnh: hồ sơ.

Cần sớm "nhổ" trạm thu phí BOT... "vô duyên"

Anh Hùng cũng cho biết, đã một số lần anh vào nhà điều hành trạm thu phí để hỏi cán bộ đại diện trạm xem, tóm lại doanh nghiệp có làm đoạn đường 39B cũ trục thẳng, chính từ TP.Thái Bình đi huyện Tiền Hải (đường tỉnh ĐT.458) hay không?

"Họ không trả lời được câu hỏi này, chỉ vòng vo, loanh quanh rồi đưa ra hết quyết định nọ, văn bản kia về việc được tỉnh cho đặt trạm, cho thu phí. Còn họ không trả lời xem có làm đường hay không. Vì ai cũng biết là họ đâu làm gì mà vẫn được tỉnh cho phép thu?", anh Hùng nói thêm.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, khi nhà đầu tư bắt đầu được phép thực hiện thu phí từ ngày 1.1.2017, thoạt đầu, theo quyết định thu đầu tiên, đối tượng được miễn giảm chỉ là người dân, phương tiện đăng ký, có hộ khẩu thường trú tại xã Bình Minh và thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương. 

Sau đó, trước sự phản đối gay gắt, quyết liệt của người dân, lái xe, đến tháng 2.2017, UBND tỉnh Thái Bình lại ra quyết định 326 quy định chi tiết một số nội dung. Trong đó, quyết định miễn giảm phí cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú ở 2 huyện Tiền Hải, Kiến Xương; các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể đóng trên địa bàn 2 huyện này và một số đối tượng ưu tiên khác...

Theo anh Vũ Văn Đĩnh, "nhổ" trạm thu phí này mới giải quyết được vấn đề . Ảnh tư liệu: CTV

Anh Vũ Văn Đĩnh (trú phường Phúc Khánh, TP.Thái Bình) nói rằng anh quê ở huyện Tiền Hải nhưng đã cắt khẩu lên thành phố. Nếu đúng theo quy định thì anh không thuộc đối tượng được miễn giảm, dù một tuần anh chạy đi chạy lại giữa quê và thành phố rất nhiều lần để thăm bố mẹ già, nhà cửa.

Anh Đĩnh băn khoăn: "Tôi nghĩ lúc đó do áp lực dư luận quá lớn nên tỉnh quyết định miễn giảm cho người dân Tiền Hải, Kiến Xương. Chứ người dân 2 huyện này thì khác gì người dân các huyện khác trong tỉnh, cũng như người dân các tỉnh bạn khi về đây, đi qua đây. Do vậy theo tôi, chỉ có nhổ trạm BOT "vô duyên" này đi thì mới giải quyết được vấn đề. Còn nếu cứ thu người này không thu của người khác sẽ tạo nên bất công, bất bình đẳng, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh, trật tự kéo dài không hồi kết".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn