MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương nói về việc rà soát quy trình, quy định cấp phép lao động cho người nước ngoài. Ảnh: Đình Trọng

Trám lỗ hổng vi phạm cấp phép lao động cho người nước ngoài ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG LDO | 14/10/2023 10:42

Bình Dương - Những ngày qua, Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương đang xét xử vụ án cựu giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Dương cùng 16 bị cáo liên quan đến sai phạm trong việc cấp phép lao động cho người nước ngoài. Từ vụ việc này, đặt ra vấn đề làm sao trám lại lỗ hổng trong việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài?

Trả lời phóng viên Báo Lao Động vấn đề này, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết: "Không phải đến nay chúng tôi mới làm mà khi bắt đầu xảy ra vụ án sai phạm liên quan, chúng tôi đã tự rà soát tất cả các quy trình, các bước và để chấn chỉnh".

Theo ông Phạm Văn Tuyên, hiện nay vấn đề cấp giấy phép lao động ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Nhưng theo quy định của pháp luật phải thực hiện đảm bảo các thủ tục, còn hồ sơ chưa đảm bảo sẽ phải trả lại.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

"Hiện nay, chúng tôi bị hai áp lực, một là phải cấp kịp thời cho doanh nghiệp, hai là phải đảm bảo đúng thủ tục. Trên tinh thần đó, thời gian qua chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy trình phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc cấp phép cho người lao động nước ngoài.

Theo quy chế này, các ngành sẽ phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin, xác định các vấn đề trước khi cấp phép. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu cho UBND tỉnh ủy quyền lại cho Sở và Ban Quản lý các khu công nghiệp chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Trước đây, thẩm quyền là của UBND tỉnh, việc này mất thời gian hơn. Cho nên khi UBND tỉnh ủy quyền lại sẽ đỡ mất thời gian, để đảm bảo cấp phép cho kịp thời" - ông Phạm Văn Tuyên nói.

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cũng cho biết thêm hiện nay, theo Nghị định 70 của Chính Phủ là chuyển chức năng cấp phép lao động nước ngoài ở Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sang Sở LĐTBXH tỉnh.

"Đây tiếp tục là một áp lực lớn cho chúng tôi. Hồi xưa chỉ cấp một nửa thôi, nhưng bây giờ phải cấp thêm phần còn lại. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng làm kịp thời và đúng quy định. Người nước ngoài có nhu cầu vào làm việc mà đảm bảo quy định của pháp luật sẽ được cấp phép"- ông Phạm Văn Tuyên nói.

Trước đó, Báo Lao Động đã đưa tin, từ ngày 9-13.10, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã đưa xét xử vụ án làm giả giấy tờ, hối lộ, nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ cấp phép lao động cho người nước ngoài trái quy định xảy ra ở Bình Dương và Bình Phước. Ngày 20.10, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

Nhóm đối tượng khoảng 10 người là lao động tự do và giám đốc doanh nghiệp đã làm giả hồ sơ giấy tờ sau đó hối lộ một số cựu cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, cựu cán bộ Ban Quản lý khu công nghiệp Bình Dương và Bình Phước để được cấp 2.800 giấy phép lao động cho người nước ngoài trái quy định từ năm 2019-2022.

Phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án cấp phép lao động nước ngoài. Ảnh: Đình Trọng

Trong đó, bị cáo Lê Minh Quốc Cường (57 tuổi, cựu Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương) bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 3 năm đến 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cấp dưới của bị cáo Cường là bị cáo Nguyễn Kiên Cường (37 tuổi - cựu chuyên viên Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương) bị đề nghị mức án từ 16 năm đến 16 năm 6 tháng tù về tội “nhận hối lộ”.

Bị cáo Hoàng Thanh (60 tuổi - cựu Trưởng phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương) bị đề nghị mức án 14 năm tù.

Cự giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Quốc Cường bị đề nghị mức án từ 3-4 năm tù. Ảnh: Đình Trọng

Bị cáo Đinh Thái Tuấn - cựu Phó trưởng Phòng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước bị đề nghị mức án 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”...

Nhóm 10 bị cáo còn lại là các cá nhân bị xét xử về các tội “Đưa hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” hoặc “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Trong nhóm bị cáo này, bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất là từ 12 đến 14 năm tù giam, bị cáo bị đề nghị mức án nhẹ nhất là 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù treo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn