MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt điện là một lựa chọn cho những người ưa thích sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Ảnh: Vinbus

Trạm sạc xe điện, giải pháp thúc đẩy phát triển xe buýt xanh

Anh Vũ LDO | 15/03/2024 14:42

Một trong những vấn đề quan trọng khiến quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe buýt chạy điện là hệ thống trạm sạc dành cho xe buýt.

Tỉ lệ sử dụng phương tiện năng lượng xanh còn khiêm tốn

Với người dân Hà Nội nói riêng và các thành phố nói chung, xe buýt đã là một trong những phương tiện giao thông công cộng được sử dụng nhiều nhất. Một số người đã sử dụng xe buýt như phương tiện đi làm chính của mình nhờ vào những tiện lợi mà nó mang lại.

"Tôi mới chuyển công tác về Hà Nội từ năm 2023, khi mới đây, tôi đã rất bất ngờ khi được sử dụng xe buýt chạy điện. Phương tiện này mang lại cảm giác dễ chịu, tiện lợi hơn nhiều so với các loại xe buýt truyền thống khác mà tôi từng đi trước đây", bà Lý Nga, một giảng viên đại học sống tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Trên thực tế, tuy được nhiều người ưa chuộng sử dụng, nhưng xe buýt điện mới chỉ được VinBus triển khai tại những thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Phú Quốc. Lượng xe buýt điện đang được khai thác cũng còn rất khiêm tốn so với xe buýt chạy động cơ đốt trong.

Tháng 7.2022, Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg 2022 về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Về vận tải công cộng, theo kế hoạch, từ năm 2025, tỉ lệ xe buýt điện trong vận tải hành khách công cộng sẽ tăng lên 45-50% tại Hà Nội, 25% tại TP Hồ Chí Minh, 25-35% tại Đà Nẵng, 20% tại Cần Thơ, 10-15% tại Hải Phòng. Tỉ lệ xe buýt điện đạt ít nhất 5% ở các đô thị loại I.

Bên cạnh đó, Chính phủ đặt tham vọng điện hóa sớm hơn, tới năm 2025, 100% xe buýt sẽ được thay thế, đổi mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thế nhưng, theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tỉ lệ sử dụng phương tiện Năng lượng Xanh của Hà Nội chỉ khoảng hơn 10%. Con số này còn khiêm tốn so với những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.

Rào cản làm chậm chuyển đổi giao thông công cộng xanh
Khi được hỏi về các rào cản ảnh hưởng tới quá trình thúc đẩy giao thông công cộng xanh, TS. Khương Kim Tạo đã chỉ ra một số vấn đề, trong đó có chi phí đầu tư.

Theo ông, chi phí đầu tư cho các phương tiện xanh cao hơn so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp, chưa kể đi kèm các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.

Một trong những rào cản lớn khác ảnh hưởng tới việc chuyển đổi sang sử dụng xe buýt chạy điện là cơ sở hạ tầng của hệ thống trạm sạc. Hiện nay, mới chỉ có VinBus là đang vận hành các tuyến xe buýt điện với hệ thống 108 trạm sạc riêng ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Công Nhật - Tổng Giám đốc VinBus, tại Việt Nam chưa có định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện, do đó phải sử dụng tạm thời định mức của xe buýt CNG (loại xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén) để vận hành trong quá trình xây dựng định mức.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có quy hoạch tổng thể cho hệ thống trạm sạc xe buýt, gây khó khăn khi đáp ứng nguồn cung cấp điện theo từng Depot, lắp trạm sạc tại các điểm đầu bến.

Đồng quan điểm, TS. Tạo cho biết, hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, chẳng hạn như hệ thống trạm sạc. Không chỉ vậy, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp đang níu kéo, sử dụng các xe buýt cũ mà chưa muốn đầu tư chuyển đổi sang xe điện hoặc xe chạy nhiên liệu xanh.

Cần cơ chế để thúc đẩy tỉ lệ xe buýt điện

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trong khu vực cũng đang tập trung vào quá trình chuyển đổi xe buýt điện. Thái Lan đang thực hiện lộ trình chuyển đổi sang toàn bộ hệ thống xe buýt điện chỉ trong 3 năm, đặt mục tiêu thay thế bằng 3.200 xe buýt điện vào năm 2025.

Chính quyền Thái Lan cũng hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới trụ sạc và đặt mục tiêu sản xuất 1,2 triệu xe điện.

Ông Nguyễn Công Nhật cho rằng, để có thể phát triển hệ thống xe buýt điện, Nhà nước cần xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đầy đủ cho các loại xe buýt điện cũng như chính sách hỗ trợ tài chính (lãi vay) cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện, hạ tầng trạm sạc. Cùng với đó, ưu tiên các doanh nghiệp vận tải đầu tư xe buýt điện được khai thác tuyến mới, tuyến đấu thầu lại.

Việc quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt điện, lộ trình chuyển đổi để các DN chủ động có kế hoạch thay đổi và mạng lưới cung cấp năng lượng điện cho các Depot xe buýt, quy hoạch hệ thống trạm sạc công cộng tại các điểm đầu cuối xe buýt cũng là điều mà các doanh nghiệp mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn