MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vào mỗi mùa khô, cán bộ Y tế tại Trạm Y tế xã Vân Hồ phải xách từng xô nước để phục vụ cho sinh hoạt và khám, chữa bệnh. Ảnh: Khánh Linh

Trạm Y tế vùng cao Sơn La chật vật vì thiếu nước

Khánh Linh LDO | 25/11/2023 10:22

Sơn La - Cứ mỗi mùa khô đến, Trạm Y tế xã ở trung tâm huyện Vân Hồ lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Tình trạng thiếu nước cứ "đến hẹn lại lên" vào thời điểm mùa khô đã khiến công tác khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã vùng cao Vân Hồ vô cùng vất vả. Các y, bác sĩ vừa lo chữa bệnh, vừa lo đi xin nước sinh hoạt.

Những ngày cuối tháng 11, PV Báo Lao Động đã có mặt tại Trạm Y tế xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La). Theo ghi nhận, nhờ cơn mưa đầu mùa đông, hiện tại, nguồn nước ở Trạm về cơ bản vẫn tạm đủ nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, để duy trì lượng nước ở mức đảm bảo phục vụ sinh hoạt và khám chữa bệnh, cứ vài ngày một lần, đích thân Trạm trưởng hoặc các y tá lại phải đi kiểm tra, nối lại đường dẫn nước do các vết nứt, thủng hoặc trâu đi qua dẫm vào.

Cứ vài ngày một lần, Trưởng trạm Y tế xã này lại phải đi sửa lại đường ống dẫn nước về trạm. Ảnh: Khánh Linh

Trò chuyện với PV, bác sĩ Hà Thanh Liêm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vân Hồ chia sẻ: "Dù nguồn nước cách trạm chỉ khoảng gần 400m, nhưng cứ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau tình trạng thiếu nước lại xảy ra. Có những năm ròng rã cả 3 tháng trời không có lấy một giọt nước chảy về".

Lý giải nguyên nhân, theo bác sĩ Liêm, do đường ống nước dẫn từ nguồn về trạm đã lâu không được nâng cấp, thay mới. Đặc biệt, khi vào mùa khô, nước trên nguồn đã yếu, đường ống thường xuyên bị hư hỏng khiến nước không thể chảy về.

Cũng theo đại diện Trạm, xã Vân Hồ có khoảng 11.000 dân, đây lại là xã trung tâm của huyện, tập trung các em học sinh từ khắp các địa phương về học tập, ở trọ nên nhu cầu khám chữa bệnh khá lớn.

Thống kê từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế xã Vân Hồ đã có trên 10.000 lượt khám, chữa bệnh. Trong đó có có gần 70 ca đỡ đẻ, trung bình mỗi tháng 6-7 ca.

"Bất tiện nhất là những lúc có ca đỡ đẻ tại Trạm. Đỡ đẻ thì bắt buộc phải có nước để còn lau rửa dụng cụ, tắm và vệ sinh cho cả mẹ và bé. Cả những khi người dân đi làm trên nương bị tai nạn lao động, cần đến trạm khâu.

Lúc đó, khi nước chưa có sẵn thì bệnh nhân lại phải chờ, phải chịu đau để chúng tôi đi xin nước mới có thể rửa qua vết thương và thực hiện thủ thuật" - bác sĩ Liêm cho hay.

Hiện nay, để khắc phục tình trạng này, Trạm tạm thời đấu nối nhờ nguồn nước một số hộ dân hoặc cán bộ y tế phải đến nhà dân xách từng xô nước về đổ vào bể. Thế nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Trạm Y tế xã Vân Hồ đảm nhiệm việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân vùng trung tâm huyện Vân Hồ. Ảnh: Khánh Linh

Chia sẻ với PV, Trưởng trạm Y tế xã vùng cao này cho biết, anh mong muốn được các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư kinh phí để có một chiếc giếng khoan ngay trong khuôn viên trạm, sớm khắc phục tình trạng thiếu nước nói trên.

Cùng với đó, Trạm cũng mong sẽ sớm được đầu tư mái che ngoài trời để phục vụ cho các công tác khám, chữa bệnh hoặc tiêm chủng hàng tháng được thuận tiện hơn.

Trao đổi với Lao Động, ông Lường Duy Phú - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ xác nhận, tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên tại các Trạm Y tế xã, đặc biệt vào mùa khô.

Cũng theo ông Phú, mới đây, Trung tâm Y tế huyện đã đề xuất và được Sở Y tế Sơn La đồng ý phê duyệt kinh phí làm giếng khoan cho 8 Trạm Y tế trên địa bàn huyện Vân Hồ.

Hiện, đã có Trạm y tế xã được triển khai khoan giếng, trong tuần tới sẽ tiến hành khoan giếng tại Trạm Y tế xã Vân Hồ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn