MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên Thuỳ Trang tác nghiệp tại tâm dịch TP.Đà Nẵng, Quảng Nam. Ảnh: Hữu Long

Trận chiến này phải đi để kể

Thuỳ Trang LDO | 20/06/2021 19:30

Sống trong những dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP.Đà Nẵng, tôi trải qua từ cảm xúc mệt mỏi, ám ảnh, có lúc sợ hãi cực độ. Thế nhưng, giữa lúc “ai ở đâu ở yên ở đó”, ngoài lực lượng làm nhiệm vụ thì chỉ có phóng viên, nhà báo là có thể đi đến những nơi đặc biệt, gặp những người vốn giản dị lắm nhưng nghị lực phi thường. Tôi phải kể lại cho mọi người biết bằng mọi giá. Rằng, COVID-19 là một cuộc chiến có sinh tử nhưng cũng có những chiến binh và một hậu phương đồng tâm, đồng lòng mà mỗi lần nhắc đến có thể rơi nước mắt vì tự hào.

Cuộc chiến thời hiện đại

Phải đến đợt dịch thứ 2 vào tháng 7.2020, TP.Đà Nẵng mới thực sự bị “thấm đòn”. Bởi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở bệnh viện lớn nhất thành phố, nơi điều trị những bệnh nhân nặng mà bác sĩ nhận định, chỉ cần một đợt cảm thông thường cũng có thể khiến họ tử vong. Thế nhưng nay họ lại chống chọi với COVID-19. Có điều, họ không hề đơn độc khi hàng nghìn y bác sĩ tại địa phương đã bước vào khu cách ly, điều trị.

Từng đọc tin tức về dịch bệnh trên thế giới, từ Vũ Hán đến Italia, cuối cùng nỗi lo lắng của tôi đã ấp đến khi thành phố của mình trở thành “ổ dịch”. Giữa tháng 8, mùa hè trời nắng đổ lửa nhưng thông tin về số ca mắc COVID-19 khiến người ta sởn gai ốc. Thế nhưng, cũng mỗi sáng đó, những dòng trạng thái trên điện thoại của tôi là y bác sĩ vẫn vào ca với những bộ đồ kín mít, đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhiều bếp cơm trên địa bàn thành phố đỏ lửa từ sớm để kịp nấu hàng nghìn suất ăn tiếp sức tuyến đầu. Tôi ngỡ ngàng trước tinh thần của từng người dân, họ như bước vào một cuộc chiến thực sự, chẳng hề nao núng.

Tôi đặt câu hỏi tại sao lại nói COVID-19 là một cuộc chiến, bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng - nói rằng: “Bởi ở đây, sự sống và cái chết rất mong manh. Ở đây, những y bác sĩ phải đổ mồ hôi và cả máu, đó là những nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo. Ở đây, nếu chúng ta lùi bước hay chần chừ, nhiều sinh mạng sẽ mất đi”.

Cũng chính vì vậy, khi đón đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, một năm sau đó - tức tháng 5.2021, những nhân viên y tế như chị Hoàng Thị Xuân - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Y tế quận Sơn Trà - dù rơi nước mắt khi nhìn bóng lưng đồng nghiệp vội vã lên xe đi “đánh chốt” nhưng vẫn cương quyết: “Con đường này là chúng ta chọn và chỉ có thể đi thẳng mà thôi. Nếu quay đầu lại, dịch bệnh có thể ập đến với chính chúng ta, gia đình, người dân”.

Nhân viên y tế trở thành những người chiến binh thời hiện đại. Ảnh: Thuỳ Trang

Tôi sinh ra và lớn lên trong thời bình, thậm chí là thời kỳ đất nước đổi mới, phát triển. Thế nhưng nay, tôi đang thực sự cảm nhận một cuộc chiến không tiếng súng nhưng lằn ranh sinh tử thì mong manh. Ở đó, có những chiến binh, anh hùng không cầm súng nhưng chiến đấu đêm ngày bằng cả trái tim. Ở đó, có một hậu phương vững mạnh là những người dân đồng tâm, đồng lòng vận chuyển từng chai nước, tấm nệm, nấu từng suất cơm gửi tặng “tiền tuyến”. Có thể, yêu nước là từ ngữ gì đó quá xa vời với những người trẻ như tôi, hơn tôi, nhưng nếu nhắc đến “đồng bào” thì người ta có thể làm mọi điều, dù là hy sinh bản thân mình. Bởi, đồng bào đó có người thân, gia đình của họ và hàng vạn người khác.

Mỗi nhà báo, một pháo đài

Nếu mỗi người dân được ví như một pháo đài chống dịch COVID-19 bằng cách “ai ở đâu ở yên ở đó” thì với phóng viên, nhà báo, vũ khí và pháo đài của họ là những bài viết chống lại tin giả. Nếu dịch bệnh SARS bùng phát năm 2003 thì COVID-19 lại diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội phát triển khủng khiếp. Thông tin giả không chỉ là lời truyền miệng nữa mà là tin tức được chia sẻ chớp nhoáng. “Đã có ca tử vong”, “Có hàng nghìn người mắc rồi nhưng thành phố giấu thông tin”... là những gì tuyến đầu phải đối diện. Sự nghi hoặc, thậm chí là phẫn nộ, quá khích của một số thành phần khiến công tác chống dịch càng khó khăn.

Chính lúc này, những phóng viên, nhà báo phải lên tiếng bác bỏ những thông tin sai sự thật. Chưa hết, chúng tôi phải đến tận nơi, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất từ trong tâm dịch để bạn đọc, người dân hiểu tuyến đầu đang phải nỗ lực từng giây phút, đổ mồ hôi và máu như thế nào để chống lại dịch bệnh.

Đó cũng là động lực lớn nhất để tôi vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu. Càng dấn thân, tôi càng thấy mình thật nhỏ bé. Ai trong chúng ta cũng từng lo lắng về việc lây nhiễm bệnh, thế nhưng với những điều dưỡng nhỏ bé, họ bước vào cuộc chiến này mà không biết bao giờ kết thúc. Họ để lại những đứa con thơ, nhận lệnh điều động đi vào khu hồi sức bệnh nặng mà không ai nói trước rằng, ở đó thực sự khốc liệt ra sao.

Y bác sĩ hoá chiến binh lẫn thiên thần trong cuộc chiến thời hiện đại. Ảnh: Thanh Linh

Ngày làm việc trong bộ đồ bảo hộ, đêm về nghỉ ngơi nhưng điện thoại của chị Nguyễn Thị Trang - điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng vừa sạc vừa phải online. 1h sáng, tin nhắn liên hồi từ Phòng Hồi sức gửi ra báo bệnh nhân chuyển nặng, họ phải bật dậy trở vào khu điều trị, đến sáng lại tiếp tục làm việc theo guồng quay. Người này kiệt sức thì người khác bước vào.

“Kiệt sức quen rồi, vất vả quen rồi, nhớ nhà, nhớ con cũng quen rồi!” - đó là câu nói từ những người nhân viên y tế. Chỉ đến khi hỏi “con chị bao nhiêu tuổi rồi”, đôi mắt ai đó chợt đỏ hoe “Cháu được 24 tháng”. Câu trả lời khiến tôi ghi nhớ mãi về sau, hoá ra, yêu thương của người mẹ với con cái là tính từng ngày, từng tháng con ra đời. Thế nhưng, họ cũng phải gạt bỏ yêu thương đó qua để ở bên người bệnh, bên đồng nghiệp của mình. Với họ, ở tâm dịch, chẳng còn nỗi sợ hãi nào nữa, chỉ mong từng ngày được về với gia đình.

Dịch bệnh COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, cũng có thể tràn đến nơi tôi sống thêm nhiều lần nữa. Nhưng bước qua từng cuộc chiến, tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Những ngày này, tôi hay nói với người bạn đời cũng làm nghiệp y của mình rằng, phải chuẩn bị tinh thần nhé, sẵn sàng nhận lệnh bất kỳ lúc nào để đi về tâm dịch Bắc Giang. Anh hỏi “không sợ xa nhau à?”, tôi cười: “Sợ chứ, nhưng con đường chúng ta đã chọn, chỉ có thể đi thẳng. Ở đó, đồng nghiệp và người bệnh cần các anh!”.

Phóng viên, nhà báo tại TP.Đà Nẵng xung trận bằng ngòi bút của mình cùng thành phố chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thuỳ Trang

Nếu mỗi người dân được ví như một pháo đài chống dịch COVID-19 bằng cách “ai ở đâu ở yên ở đó” thì với phóng viên, nhà báo, vũ khí và pháo đài của họ là những bài viết chống lại tin giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn