MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan công an xử lý một đối tượng có hành vi “báo chốt” Cảnh sát giao thông. Ảnh: Công an cung cấp

Tràn lan hội nhóm báo chốt xử lý vi phạm giao thông

Hữu Chánh LDO | 11/06/2024 08:30

Hàng loạt hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra với mục đích thông báo về các điểm chốt, trạm kiểm soát của các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, tạo tâm lý xấu trong xã hội.

Tràn lan các nhóm báo chốt

Thử gõ cụm từ khóa “báo chốt, chốt 141” trên mạng xã hội Facebook thì lập tức xuất hiện hàng loạt các hội nhóm báo chốt. Phải kể đến các hội nhóm như: Nồng độ cồn - tạch tạch, Hội báo chốt/tránh chốt 141 Hà Nội, Thông báo chốt 141 toàn Hà Nội 24/7…

Các hội nhóm này hầu như hoạt động công khai với hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia, theo dõi. Trong các hội nhóm này, nhiều tài khoản đăng tải các dòng trạng thái để cập nhật tình hình về các tuyến đường nào có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông để tránh. Đơn cử như nhóm “Hội báo chốt/tránh chốt 141 Hà Nội”, tại nhóm này có tới hơn 284.000 thành viên tham gia. Các trạng thái “báo chốt” được đăng tải liên tục tại Hà Nội.

Như trạng thái của một người ẩn danh đăng vào ngày 6.6 có nội dung: “Ngã tư Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Cơ Thạch, cuối nghĩa trang Mai Dịch đang vụt rất căng nhé anh em”. Trạng thái này đăng lên nhận được hàng trăm lượt thích và hàng chục bình luận.

Ngoài ra, các hội nhóm khác như “Thông báo chốt 141 toàn Hà Nội 24/7” với 80.000 thành viên, “Nồng độ cồn - tạch tạch” hơn 27.000 thành viên cũng hoạt động rầm rộ không kém.Tại các hội nhóm này, không chỉ có nhiệm vụ “báo chốt” mà còn là nơi các tài xế đăng trạng thái hỏi các tuyến đường họ sắp đi qua có chốt hay không. Đồng thời họ đưa những Điều luật An toàn giao thông, cách “cãi” lại Cảnh sát giao thông (CSGT) khi đi qua các chốt, từ chốt kiểm tra nồng độ cồn cho đến các chốt xử lý vi phạm an toàn giao thông khác.

Hội nhóm “Hội báo chốt/tránh chốt 141 Hà Nội” có tới hơn 284.000 thành viên tham gia. Ảnh chụp màn hình

Xử lý thế nào?

Liên quan đến tình trạng trên, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tăng cường các biện pháp điều tra, khám phá, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trong đó có "báo chốt" CSGT.

Mới đây nhất là ngày 4.6, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã phát hiện, xử phạt 5 trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin về hoạt động của "chốt".

Các trường hợp trên khai nhận, mục đích thông báo là để mọi người biết, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ. Sau khi làm việc với cơ quan Công an, những người này đã nhận thức được vi phạm của bản thân và gỡ bỏ các bài đăng.

Theo Bộ Công an, việc "báo chốt" không chỉ gây ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan Nhà nước mà còn là hành vi tiếp tay, khiến cho nhiều lái xe chủ quan, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Thậm chí việc "báo chốt" còn có thể vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Do vậy, “báo chốt” là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Theo luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trên thực tế, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều hội nhóm có hành vi vi phạm như trên. Tuy nhiên, hiện tượng lập nhóm “báo chốt” hằng ngày vẫn đang diễn ra khá công khai. Nội dung đăng tải và bình luận của các tài khoản trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng CSGT nói riêng, tạo tâm lý xấu trong xã hội.

"Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, không những gây ảnh hưởng đến hoạt động đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng, mà còn cổ súy thái độ và hành vi coi thường pháp luật, đối phó với các quy định pháp luật" - vị luật sư nhấn mạnh.

Từ các quy định pháp luật hiện nay và tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo luật định hiện hành.

"Việc người dân lập nhóm "báo chốt" trên mạng xã hội được xác định là "hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích" theo quy định điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 10 triệu đồng theo quy định khoản 3 Điều 4 của Nghị định này" - luật sư Quách Thành Lực cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn