MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tensicare bị Cục An toàn thực phẩm phát cảnh báo vi phạm, tháng 3.2023. Ảnh: Chụp màn hình

Tràn lan quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng

Thanh Chân LDO | 27/04/2024 06:00

Hiện nay, việc tràn lan các quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng, sai sự thật, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội là vấn đề nhức nhối.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, những năm gần đây, việc sử dụng thực phẩm chức năng trở nên bùng nổ. Chính vì điều này, việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều vấn đề như nguồn gốc sản xuất, phân phối kinh doanh, quảng cáo.

“Thời gian qua, quảng cáo thực phẩm chức năng là vấn đề khiến chúng tôi đau đầu. Trên mạng xã hội, website,… có nhiều quảng cáo như nhà tôi 3 đời chữa bệnh… Thực phẩm chức năng được quảng cáo hơn cả thuốc, chữa được bách bệnh” - bà Lan cho hay.

Chia sẻ về vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật trên các trang mạng xã hội hoặc các nền tảng quảng cáo khác, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đưa ra một số trường hợp như tháng 2 vừa qua, Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện Công ty quảng cáo Fruit (Quận 11) sở hữu 18 tài khoản quảng cáo tư vấn trong lĩnh vực y tế, đăng thông tin quảng cáo trái phép trên mạng xã hội.

Trường hợp khác là yêu cầu một sàn thương mại điện tử gỡ bỏ quảng cáo vi phạm đối với 474 sản phẩm trên nền tảng. Trong đó, có những sản phẩm thuốc cường dương, hỗ trợ khoái cảm và kích thích tình dục. Những sản phẩm này không phải thuốc mà cũng không phải thực phẩm chức năng.

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đề xuất cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để xử lý hiệu quả các hình thức quảng cáo thổi phồng công dụng, sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.

Trao đổi về việc chấp hành các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng, ông Dương Phát Chiếu - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở An toàn thực phẩm TPHCM - cho hay, giai đoạn 2020-2023, qua rà soát các nội dung quảng cáo về thực phẩm trên các website và mạng xã hội với hơn 45.132 sản phẩm, đơn vị phát hiện 659 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm đã chuyển bộ phận thanh tra xử lý, giám sát theo quy định.

Ông Chiếu nhận định, đa phần cơ sở kinh doanh chỉ là văn phòng đại diện, một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế trong việc liên hệ với chủ cơ sở. Bên cạnh đó, khó xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo.

Vì vậy, đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo, xử lý vi phạm hành chính để thuận lợi trong công tác quản lý thực phẩm chức năng. Ban hành đầy đủ các QCVN, TCVN cho sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp.

Đối với người tiêu dùng, Bộ Y tế khuyến cáo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ trước khi quyết định mua sản phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn