MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trắng đêm "cõng việc Tết", thợ cắm hoa thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi ngày

Hoài Trang LDO | 29/01/2021 11:34
Những ngày này, trong các gian hàng trưng bán hoa lan hồ điệp tại Hà Nội, thợ cắm hoa tất bật ngày đêm, kiếm tiền triệu từ việc tạo hình, lên chậu cho hoa để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa Tết của người dân.

Công việc thường ngày là cắm hoa cho shop hoa tươi và các trung tâm sự kiện tiệc cưới tại Hà Nội, tranh thủ những ngày cận Tết, anh Nguyễn Đức Cảnh (35 tuổi, quê Lào Cai), kết nối với các cửa hàng kinh doanh lan hồ điệp để nhận cắm hoa.

Dịp tết đến, nghề ghép cây cảnh là nghề đem lại thu nhập cao.

Với bàn tay khéo léo và kinh nghiệm cắm hoa lâu năm, anh Cảnh chia sẻ, năm nào cũng vậy, mỗi dịp cận Tết anh lại bắt mối với các cửa hàng kinh doanh hoa tại Hà Nội nhận việc.

Thời gian cuối năm là khoảng thời gian để thợ cắm hoa kiếm thêm thu nhập nên phải luôn tay, không lúc nào rảnh, nhiều hôm việc chưa xong, anh Cảnh phải thức xuyên đêm mới có hàng trả khách.

Anh Cảnh đang tất bật cho lan lên chậu.

Anh Cảnh cho biết, thông thường, hoa lan sẽ được ghép sẵn đặt tại cửa hàng hoặc ghép theo yêu cầu của khách.

"Những ngày gần đây lượng người mua lan nhiều, mỗi ngày tôi cũng ghép được 3 chậu tương đương 700-800 cành, với giá 15.000 đồng/cành, bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 6-7 triệu đồng từ công việc này. Hôm nào làm được nhiều nhất cũng kiếm được 10 triệu đồng.

Tùy vào từng thế và loại hoa khác nhau, trung bình để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải mất khoảng 3-4 tiếng, những chậu hoa “khủng” khách yêu cầu tỉ mẩn thì thời gian sẽ kéo dài hơn” - anh Cảnh nói.

Những chậu lan rực rỡ sắc màu khi được thợ ghép xong.

Do khối lượng công việc nhiều, người thợ phải làm việc hết công suất, nhanh tay, nhanh mắt nhưng vẫn phải tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết.

Anh Cảnh cho hay, làm nghề này nghe có vẻ đơn giản nhưng để cho ra đời một sản phẩm ưng ý, có thể hút khách hàng thì yêu cầu người thợ phải thật khéo léo, sáng tạo.

"Chúng tôi hay nói chuyện với nhau, nghề cắm hoa không ai dạy ai mà tự mỗi người có cái nhìn và cảm nhận khác nhau. Nên để làm được nghề, trước hết phải yêu hoa, cẩn thận và học hỏi không ngừng” - anh Cảnh bày tỏ.

This browser does not support the video element.

Video anh Nguyễn Đức Cảnh - thợ cắm hoa chia sẻ về công việc của mình.

Theo anh Cảnh, để có chậu lan hồ điệp đẹp, người thợ phải có khiếu thẩm mỹ, hoa được cắm xen kẽ phải hài hòa, đều màu. Năm nay, khách chuộng các màu sắc như vàng, trắng tím nên nhiều chậu thế cao, anh Cảnh phải phân tầng để cân xứng từng chậu hoa.

Thợ cắm hoa có thể kiếm gần 10 triệu đồng/ ngày từ việc tạo dáng cho cây lan.

Còn anh Phạm Văn Nhật - thợ cắm hoa cảnh trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết - cứ mỗi lần dịp Tết đến, anh "bận tối mắt, tối mũi" để cắm hoa lan kịp trả khách. Dù là vậy nhưng anh Nhật luôn vui vẻ vì được làm công việc yêu thích và thu nhập từ việc cắm hoa cũng giúp anh có Tết đủ đầy hơn.

Lan hồ điệp là loại cây có thân ngắn, sinh trưởng khá chậm, hoa nở thường kéo dài được 2-3 tháng.

"Hàng ngày tôi đi làm từ 6 giờ sáng - 11 giờ đêm, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được 8 triệu đồng/ ngày. Năm nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong năm có ít sự kiện nên đây là dịp có thể nói là mùa bội thu của thợ cắm hoa nên chúng tôi phải tranh thủ" - anh Nhật nói.

Cũng theo anh Nhật, ngoài việc cắm hoa trên các loại chậu gốm sứ thì người cắm hoa còn sử dụng các loại gỗ lũa, gỗ lim, gỗ sến… để cắm lan hồ điệp hoặc kết hợp với các cây, tiểu cảnh trang trí cho chậu hoa thêm phần tinh tế và đẹp mắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn